Pin này sử dụng công nghệ điện phân màng ngăn polymer (polymer-electrolyte fuel cell - PEFC), hoạt động bằng cách kết hợp hydro với oxy để tạo ra nước đồng thời sinh ra điện, cung cấp sức mạnh lớn hơn so với loại pin sử dụng nguyên liệu metan (direct methanol fuel cell - DMFC) đang được nhiều công ty nghiên cứu hiện nay.
Tỷ lệ công suất (giữa năng lượng sinh ra và kích thước) của loại pin mới này vào khoảng 200 milliwatt trên 1 cm vuông. Ngược lại, với công nghệ DMFC, tỷ lệ công suất chỉ đạt được 70 milliwatt trên 1 cm vuông. Theo tính toán của NTT, để có công suất cần thiết cho điện thoại hoạt động trong khi kích thước pin vẫn giống như pin lithium ion hiện tại, tỷ lệ công suất phải đạt ít nhất là 160 milliwatt trên cm vuông. “DMFC không thể làm được điều này vì không có đủ sức mạnh”, Kazuya Akiyama, nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm năng lượng và môi trường của NTT, nhận xét.
NTT cũng tin rằng, với sức mạnh năng lượng tiềm tàng như vậy, PEFC sẽ thay thế pin lithium ion, cho phép đàm thoại và xem video trên thiết bị di động trong thời gian dài.
Công nghệ PEFC có một điểm bất lợi so với DMFC là khả năng bảo đảm an toàn khó khăn hơn. Nhiên liệu metan không cần bình chứa chịu áp suất trong khi PEFC phải chứa hydro lỏng có áp suất từ 2 đến 3 atm. Do đó, các nhà nghiên cứu đang tìm cách chế tạo loại vỏ đủ nhỏ nhưng vẫn phải bảo đảm tiêu chuẩn về an toàn.
Phiên bản thử nghiệm của NTT có kích thước 13 x 42 x 80 mm, trọng lượng 104 g. Công ty này hy vọng sẽ chế tạo được pin nhỏ hơn để có thể đưa vào sử dụng trong điện thoại di động. Hiện tại, NTT đã thiết kế những thùng chứa có dung tích 50 lít, dùng làm trạm nạp nhiêu liệu cho pin loại này nhưng vẫn còn quá lớn để có thể mang đi thường xuyên được. Xây dựng hạ tầng để chứa và cung cấp, tạo ra một tiêu chuẩn quốc tế để có thể vận chuyển loại nhiên liệu này sẽ phải mất khoảng thời gian ít nhất là 3 năm.
Văn Thắng (theo TechWorld)Vnexpress.net
Có thể bạn sẽ thích