"SỐT" Chứng khoán VN tại Nhật.

"SỐT" Chứng khoán VN tại Nhật.

'Sốt' chứng khoán VN tại Nhật

Dự kiến trong tuần tới, TV Tokyo, một trong 5 đài truyền hình lớn nhất Nhật Bản, sẽ phát một phóng sự dài khoảng 10-15 phút giới thiệu về thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông Phạm Văn Thanh Dũng, trưởng nhóm đầu tư Nhật của BSC cho biết hiện có khoảng 600 nhà đầu tư Nhật mở tài khoản tại BSC. Tại sàn giao dịch của SSI (Công ty chứng khoán Sài Gòn), số lượng nhà đầu tư Nhật đăng ký thậm chí còn đông hơn với 1.100 tài khoản, trong tổng số đó có khoảng 55% đã tham gia giao dịch. Đặc biệt, một số quỹ đầu tư lớn nhỏ của Nhật đã hiện diện tại SSI, trong đó nổi bật là Tokyo Marine Assets Management và Daiwa Sowa, quỹ đầu tư lớn thứ hai của Nhật. Trưởng nhóm đầu tư Nhật của SSI Nguyễn Huỳnh Bách Khoa cho biết rằng hiện quỹ đầu tư số 1 của Nhật là Nomura Sowa đang đàm phán hợp đồng hợp tác đầu tư với SSI để thông qua công ty này thực hiện việc môi giới đầu tư chứng khoán.

Ông Ushiyama, nguyên Phân xã trưởng Hà Nội của Nikkei (tờ nhật báo kinh tế hàng đầu của Nhật), kể rằng trong mấy tháng gần đây ở Nhật đang có cơn sốt mang tên Việt Nam. “Cứ mở website ra thì thấy tuần nào cũng có hội thảo, hội nghị về đầu tư ở Việt Nam, và các nhà đầu tư Nhật rất quan tâm tại sao chỉ số VNI lại tăng nhanh đến thế”, ông Ushiyama nói.

Du lịch chứng khoán

Theo BSC, khoảng 70-80% các nhà đầu tư Nhật mới mở tài khoản tại công ty này là do Công ty du lịch APEX Vietnam, công ty con tại Việt Nam của APEX Japan, dẫn tới. Theo ông Huỳnh Minh Sơn, trưởng phòng điều hành của APEX Vietnam số khách có nhu cầu du lịch và tìm hiểu về chứng khoán từ khoảng hơn 5 nghìn/tháng vào năm ngoái tăng lên 7 nghìn vào đầu năm nay. Ngay trước Tết Nguyên đán, công ty ông Sơn đã được yêu cầu sắp xếp những cuộc hẹn với Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP HCM, các sàn giao dịch, và một số doanh nghiệp như Vinamilk, cho hai tour với chừng vài chục nhà đầu tư Nhật.

“Có một điểm khác biệt lớn nhất là phần nhiều các nhà đầu tư chứng khoán của Việt Nam là những người trẻ tuổi, trong khi đó các nhà đầu tư của Nhật chủ yếu thuộc tầng lớp già, có thu nhập cao và ổn định”, ông Trần Huy Công, đại diện của hãng sản xuất chương trình truyền hình NDN tại Hà Nội nhận xét.

Kể từ đầu năm 2007 này, thế hệ “bùng nổ dân số thời hậu chiến” của Nhật bắt đầu nghỉ hưu, và các hãng du lịch đang tìm cách khai thác cái tầng lớp được coi là giàu có nhất nhì ở Nhật này. Cùng với việc đầu tư của các quỹ hưu trí, các hãng bảo hiểm nhân thọ, như Dai-ichi Mutual Life vừa mua lại Bảo Minh CMG, việc thu hút nguồn đầu tư vào thị trường chứng khoán từ các cá nhân này là một xu hướng hoàn toàn có thể. “Việc mới chỉ có hai công ty kể trên có bộ phận giao dịch bằng tiếng Nhật là một hạn chế lớn trong việc đón nhận xu thế này”, ông Công nêu lại nhận xét của các nhà đầu tư Nhật trong phóng sự của ông.

Còn ông Sơn lại dẫn ra thực tế khi APEX Vietnam phải từ chối một loạt tour do bên Tokyo giới thiệu sang vì tình trạng thiếu khách sạn đạt tiêu chuẩn tại cả TP HCM và Hà Nội. “Không những thế, giá cả do các khách sạn đưa ra tăng vọt lên gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi, khiến chúng tôi không biết ăn nói thế nào với khách”, ông Sơn than thở.

(Theo SGTT)
 
Bình luận (2)

quyenjp

Member
Hãng tin Reuters ngày 8/5 cho biết, nhiều người dân Nhật Bản thông qua các công ty du lịch đang đổ xô sang Việt Nam, mở tài khoản cá nhân để mua bán chứng khoán tại các sàn giao dịch.


Anh Tadayoshi Okimoto - Giám đốc Công ty ôtô ở miền Nam Nhật Bản, chen vai cùng với những người Việt Nam tại một sàn chứng khoán ở Tp.HCM - tỏ ra phấn khích với thị trường chứng khoán non trẻ của Việt Nam.

Okimoto đang trong chuyến thăm trung tâm tài chính mới phát triển của Việt Nam do một hãng du lịch Nhật Bản tổ chức nhằm mục đích đưa các nhà đầu tư nhỏ lẻ của nước này tới Việt Nam mở tài khoản kinh doanh chứng khoán. Những chuyến du lịch kiểu này khá phổ biến với những người Nhật Bản muốn giành lợi thế tại thị trường chứng khoán mới ra đời.

Anh Okimoto, 41 tuổi, nói: “Tại nhiều nước, thị trường chứng khoán ra đời từ lâu và lên xuống rất nhiều. Nhưng ở Việt Nam, thị trường chứng khoán còn rất mới vì thế biểu đồ thường đi lên. Từ khoản đầu tư hiện nay, trong khoảng thời gian 2 hoặc 3 năm, chúng tôi sẽ kiếm được nhiều tiền”.

Do tỷ lệ lời lãi ở quê nhà rất thấp, các nhà đầu tư chứng khoán Nhật Bản đang chú ý đến Việt Nam - nơi có nền kinh tế tăng trưởng mạnh sau công cuộc cải cách kinh tế năm 1986 và xem Việt Nam là một sự lựa chọn mới thay thế cho Trung Quốc, Ấn Độ.

Đám đông tại Công ty Chứng khoán BSC (thuộc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV) thật muôn hình muôn vẻ: có cả đàn ông, phụ nữ; có người người ăn mặc lịch thiệp, nhưng cũng có người trông nhếch nhác. Nơi này chật kín người đang ngồi, tất cả dán mắt vào 3 màn hình lớn hiển thị các thông tin chứng khoán.

Để giúp các nhà đầu tư như Okimoto, các tờ khai được in bằng tiếng Nhật và có những nhân viên nói tiếng Nhật thành thục để giải thích các quy định trên thị trường chứng khoán. Công ty này thậm chí còn điều hành cả một trang web tiếng Nhật dành cho các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản với lệ phí 180 USD/năm.

Okimoto cho biết chỉ bỏ ra 60.000 Yên (hơn 500 USD) cho chuyến đi này, bao gồm cả vé máy bay, chỗ ở trong 2 đêm. “Nó quá rẻ so với những gì tôi có thể nhận được” , Okimoto tâm sự.

Trong khoảng 2 tháng, khi các cơ quan chức năng ở Hà Nội thực hiện quy trình cần thiết để mở tài khoản, Okimoto sẽ được nhận mã an ninh, cho phép anh bắt đầu đầu tư.

Ngoài Sketch Travel, hãng đã tổ chức chuyến đi của Okimoto, Công ty HIS và nhiều hãng du lịch khác cũng đang xúc tiến những tour tương tự. Tính đến cuối tháng 3/2007, tại sàn SBC ở TPHCM, các nhà đầu tư nước ngoài đã nắm giữ 618 tài khoản, chiếm khoảng 5%.

Với những người không tham gia các chuyến đi kiểu này, các quỹ Việt Nam có sẵn ở Nhật Bản và đã tăng lên 80 triệu Yên - nhiều hơn cả các quỹ đầu tư vào Brazil.

Ông Kazuo Murakami, phát ngôn viên Công ty Chứng khoán Aizawa Nhật Bản đang điều hành một quỹ Việt Nam, nói: “Tình hình kinh tế Việt Nam tương tự Trung Quốc. Việc các nhà đầu tư Nhật Bản áp dụng thị trường chứng khoán tăng trưởng cao của Trung Quốc cho Việt Nam cũng là lẽ đương nhiên”.

Tính cả khoản đầu tư trực tiếp thông qua các tài khoản cá nhân và số tiền đầu tư trong các quỹ Việt Nam, ước tính các nhà đầu tư Nhật Bản hiện chiếm khoảng 5% trong thị trường chứng khoán 2,5 ngàn tỷ Yên của Việt Nam. Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 20 - 30%.
(Theo Tiền Phong)
 

lotustravel

New Member
Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thị trường chứng khoán Việt Nam và các công ty du lịch nữa chứ nhỉ..???
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Văn hóa xã hội 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top