Sự thật về Yukio Mishima

Sự thật về Yukio Mishima

22.jpg

Mishima trong trang phục truyền thống Nhật

Cách đây 35 năm, Yukio Mishima, người được xem là nhà văn quan trọng nhất ở Nhật của thế kỷ 20, đã tự mổ bụng chết. Hiroshi Mochimaru, cánh tay mặt của Mishima, sau một phần ba thế kỷ im hơi lặng tiếng, đã tiết lộ một số tình tiết mới về nhân vật độc đáo này

Theo ông Mochimaru, sau cái chết của Mishima, nhiều người là bạn bè, kể cả người thân, đã có những phát biểu gây hiểu lầm về thực chất của những sự kiện và tình cảm đích thực liên quan đến Mishima và những hội viên Tatenokai (Hội Cái khiên) do Mishima sáng lập.

CẮT MÁU ĂN THỀ

Một trong những hiểu lầm phổ biến đó là sự hiểu lầm liên quan đến lời thề Mishima được viết trong buổi lễ cắt máu ăn thề của 10 thành viên trẻ Tatenokai. Mochimaru kể lại: “Với tư cách là chủ tịch Tatenokai, tôi tham dự nhiều chiến dịch của hội. Nhưng câu chuyện đầu tiên mà tôi muốn kể lại để hiểu rõ bản chất con người của Mishima là lễ cắt máu ăn thề ngày 25-2-1968. Buổi lễ tổ chức tại trụ sở báo Ronso (Tranh luận) đặt trên lầu 4 một tòa nhà cũ kỹ ở quận Ginza sầm uất của Tokyo.

19 giờ, Mishima đến, khoác chiếc áo da cổ đứng như mọi khi. Chúng tôi, 10 thành viên trẻ của Tatenokai, chờ đợi từ lâu. Thầy Mishima đặt lên bàn lọ cồn, một lưỡi dao lam và bông gòn. Thầy bắt đầu buổi lễ, lấy dao lam cắt đầu ngón út của bàn tay trái, nặn máu vào một cái ly thủy tinh có đựng sẵn một ít muối để máu đừng đông lại, động tác gọn gàng, thành thục như gọt vỏ trái cây.

Người kế tiếp cắt máu là Kazuhiko Nakatsuji, Tổng Biên tập báo Ronso. Sau khi tất cả chúng tôi thực hiện động tác cắt máu này, thầy Mishima cầm bút lông chấm máu viết một mạch trên một tờ giấy cuộn lời thề: “Chúng tôi xin thề sẽ tạo ra niềm tự hào cho người Yamato (tên nước Nhật cổ xưa) và với tinh thần võ sĩ đạo, đặt nền móng cho một quốc gia phụng sự hoàng đế”. Tất cả chúng tôi cùng ký tên vào lời thề này. Riêng thầy Mishima ký tên thật là Kimitake Hiraoka. Chuyện này cho tới ngày thầy Mishima ra đi chưa ai tiết lộ.

Năm 1972, nguyệt san Shokun số tháng 3, đăng bài báo “Segare, Mishima Yukio” (Con trai tôi, Mishima Yukio) trong đó cha của Mishima là Azusa Hiraoka lần đầu tiên tiết lộ sự hiện hữu của lời thề nói trên. Tuy nhiên, ông Azusa đã kể thiếu một đoạn (với tinh thần võ sĩ đạo) trong lời thề khiến người ta hiểu sai nhận thức của Mishima về việc nước. Đây lại là đoạn quan trọng nhất để hiểu rõ hành động của Mishima và của Tatenokai.

CHẾT NHƯ VÕ SĨ ĐẠO

Tatenokai ra đời sau cuộc gặp giữa Mishima và người phụ trách báo Ronso theo khuynh hướng bảo hoàng. Lịch sử hội chia ra làm 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất và thứ hai, nhiệm vụ của hội là đào tạo cán bộ khung của một lực lượng dân quân tình nguyện có khả năng thay thế lực lượng tự vệ Nhật thực hiện những chiến dịch mà hiến pháp Nhật không cho phép.

Ở cuối giai đoạn hai, Tatenokai phải thay đổi cương lĩnh vì những biến chuyển chính trị trong nước. Trái với dự đoán, cuộc khủng hoảng chính trị năm 1970 đã không xảy ra vì trước đó, năm 1969 phong trào nổi dậy của sinh viên - cụ thể là Zenkyoto, tổ chức sinh viên cực tả- suy yếu hẳn. Mọi việc càng trở nên rõ ràng hơn vào ngày 21-10-1969, khi cuộc biểu tình lớn của sinh viên thất bại. Tình hình này khiến Tatenokai mất phương hướng. Kẻ thù đã thất bại, ai là kẻ thù mới đây? Ban lãnh đạo hội chọn một thực thể rất trừu tượng: hệ thống chính trị xã hội của thời hậu chiến mà cụ thể là hiến pháp, theo đó hoàng đế Nhật chỉ là một biểu tượng thống nhất quốc gia.

Mầm mống bất hòa trong nội bộ Tatenokai cũng phát sinh trong giai đoạn này. Kể từ 1969, quan hệ giữa Mishima với tổng biên tập tờ Ronso trở nên xấu đi nhanh chóng vì những lý do nhỏ nhặt như trễ hẹn, quản lý tài chính lỏng lẻo v.v... Nhiều thành viên, trong đó có Mochimaru, rời khỏi hội. Sau đó là cuộc binh biến bất thành tại bộ tư lệnh lực lượng tự vệ miền Đông Nhật ở Tokyo dẫn đến cái chết dữ dội của Mishima.

Hôm đó là ngày 25-11-1970, Mishima cùng 4 hội viên Tatenokai giả vờ đến thăm tư lệnh trưởng rồi bất thần bắt trói viên tướng này. Thủ trong tay một tờ hiệu triệu và băng-rôn liệt kê những yêu sách, Mishima tiến ra ban-công nói chuyện với binh sĩ tập trung dưới nhà. Mishima kêu gọi họ làm đảo chính, trả lại quyền uy tối thượng cho hoàng đế. Tuy nhiên, không những binh sĩ không nghe mà còn chế nhạo ông.

Thất vọng, Mishima quay trở về phòng tư lệnh để thực hiện nghi thức seppuku (tự mổ bụng) của võ sĩ đạo. Người được phân công chặt đầu ông là Masakatsu Morita, tương truyền là “người yêu” của Mishima, vốn mắc bệnh đồng tính ái. Nhưng Morita không thể thực hiện “ân huệ cuối cùng” này và phải nhờ một thành viên khác là Hiroyasu Koga làm thay. Morita sau đó, cũng tự mổ bụng và nhờ Koga chặt đầu.

Một nhà văn tài năng

Kimitake Hiraoka, tên thật của Yukio Mishima, sinh ra ở Tokyo năm 1925. Tuổi thơ của ông chịu ảnh hưởng rất lớn của Natsu, bà nội ông, một người thông thạo tiếng Pháp và tiếng Đức, vốn có quan hệ với samurai (võ sĩ đạo) thời Tokugawa. Chính bà đã hướng dẫn Mishima vào con đường văn học và kịch cổ điển (No và Kabuki). Bà Natsu cấm Mishima đi nắng, chơi thể thao, kết bạn với con trai. Thế giới của ông chỉ có toàn con gái và búp bê.

Mishima bắt đầu viết văn, làm thơ khi theo học một trường trung học của giới quý tộc và hoàng gia Nhật. Cũng trong thời gian này, Mishima đọc ngấu nghiến tác phẩm của những tác giả phương Tây nổi tiếng như Oscar Wilde, Jean Cocteau, Thomas Mann. Năm 1941, ông hoàn thành cuốn truyện đầu tay Cánh rừng đầy hoa với bút danh Yukio Mishima. 1946 được coi là năm tạo bước ngoặt khi Mishima gặp nhà văn nổi tiếng Yasunari Kawabata giải Nobel Văn học mà suốt đời ông coi là một người thầy vĩ đại.

Tốt nghiệp bằng cử nhân luật tại Trường Đại học Tokyo năm 1947, Mishima làm việc tại bộ tài chính. Làm được một năm, ông nghỉ việc để dốc hết sức lực vào sự nghiệp viết văn. Tiếng tăm của ông bắt đầu vang dội với quyển tự truyện Lời tự thú của một mặt nạ viết về một tài năng trẻ mắc bệnh đồng tính ái phải giấu mình đằng sau một chiếc mặt nạ để sống yên thân với dư luận xã hội.

Từ tháng 12-1951 đến tháng 5-1952, với tư cách là đặc phái viên của nhật báo Asahi Shimbun, Mishima đến châu Mỹ và châu Âu, đặc biệt ở Ý và Hy Lạp, nơi ông khám phá “ánh nắng mặt trời, thể xác và nhục dục”. Chuyến viễn du này không những làm ông suy ngẫm lại sự nghiệp văn chương mà còn làm thay đổi nhân sinh quan của ông. Sự thay đổi này phản ánh khá rõ trong tác phẩm Kim Các Tự xuất bản năm 1958, một trong những kiệt tác của Mishima. Trong thập niên 1960, ông bộc lộ công khai những tư tưởng quốc gia và năm 1968 thành lập Hội Tatenokai để thực hiện những hoài bão ái quốc theo quan điểm của riêng mình. Mùa thu năm 1970, ông hoàn thành cuốn tiểu thuyết cuối cùng của bộ tiểu thuyết 4 cuốn (Tuyết mùa xuân, Ngựa sổng, Ngôi đền lúc rạng đông và Thiên thần thối rữa) có tựa chung chung là Biển phì nhiêu trước khi tự tử theo nghi thức của võ sĩ đạo.

Sự nghiệp văn chương của Mishima bao gồm tổng cộng 40 truyện dài, 20 tập truyện ngắn và 18 vở kịch.

(Theo Aera,Wikipedia)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top