Cần chiến lược cho XKLĐ sang Nhật Bản !

Cần chiến lược cho XKLĐ sang Nhật Bản !

LTS: Nhật Bản đang xem xét việc có nên bãi bỏ chương trình thực tập sinh nước ngoài, thay thế bằng chương trình hợp tác lao động hay không. Bài viết dưới đây của GS-TS Bùi Chí Trung, Trường ĐH Aichi Shukutoko, đề cập đến những mặt trái của chương trình này. Theo ông, Nhật Bản sẽ có những thay đổi về chính sách đối với lao động nhập cư

Dân số của Nhật gần 130 triệu người, nhưng ngày càng già hóa. Tuổi thọ của người Nhật hiện nay bình quân trên 80 tuổi. Nước Nhật lại là nước có tỉ lệ sinh thấp nhất so với các nước có tỉ lệ sinh thấp như: Đức, Anh, Pháp, Mỹ..., nên rất cần sức lao động trẻ để ổn định và phát triển. Vì lẽ đó, lao động nước ngoài đến Nhật ngày càng tăng.

Tiền công rẻ mạt

Điều đáng nói là những doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) lợi dụng sự sơ hở trong vấn đề quản lý lao động nước ngoài của chính phủ, tận dụng nguồn nhân lực này với giá rẻ mạt dưới danh nghĩa là thực tập sinh (TTS). Trên thực tế, TTS nước ngoài vào Nhật Bản để làm việc, chứ không phải học nghề.

Tuy nhiên, do mang tiếng là TTS, nên các doanh nghiệp trả lương rất thấp dưới dạng trợ cấp tu nghiệp. Họ phải tằn tiện lắm mới đủ sống, không có dư để gửi về giúp gia đình. Vì vậy, họ thường bỏ trốn ra ngoài làm thêm. Các SME nhận những lao động này thông qua các công ty môi giới, nên TTS không được hưởng đầy đủ, hoặc bị cắt xén các quyền lợi. Trong khi các công ty môi giới hưởng khoảng 1/3 lợi nhuận từ công sức của những lao động được gọi là TTS này.

Thảm cảnh của lao động bỏ trốn

Theo thống kê mới nhất (1-1-2007), Việt Nam “lọt vào top ten” danh sách các quốc gia có người lao động cư trú bất hợp pháp ở Nhật (khoảng 4.000 người). Nhưng đây chỉ là danh sách “có khai đến mà không có khai về”, còn những lao động đến Nhật bằng các con đường khác thì có thể cao gấp đôi thực tế.

Cuộc sống của những lao động bỏ trốn, sống bất hợp pháp gặp rất nhiều rủi ro: Họ phải làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm, thiếu tiện nghi... với tiền công khoảng 6,5 USD/giờ. Khi bị tai nạn lao động, hoặc đau ốm thì phải tự lo; chưa kể nhiều khi còn bị người sử dụng lao động quỵt tiền công mà chẳng biết kêu ai. Ở Nhật, không ít bệnh viện từ chối nhận bệnh nhân là người lao động nước ngoài. Bởi có tình trạng sau khi chữa trị, những bệnh nhân này không có tiền đóng viện phí nên bỏ trốn.

Trước làn sóng người nhập cư vào Nhật ngày càng đông, nhiều tổ chức xã hội đã lập những đội tình nguyện dạy chữ, dạy kỹ năng sống cho những lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp. Đây là chỗ dựa mà lao động bất hợp pháp hay tìm đến. Mới đây có khoảng 100 TTS Việt Nam bị cắt hợp đồng giữa chừng. May mắn là họ được một số đoàn thể tự nguyện ở Nhật tìm giúp việc làm, nếu không sẽ phải về nước.

Sẽ phải thay đổi chính sách

XKLĐ là việc làm phù hợp với xu thế của thời đại. Philippines là quốc gia có 10% lao động làm việc ở nước ngoài, đã có đóng góp đáng kể cho bản thân, gia đình và xã hội. Nhưng có phần khác với VN, họ không xuất khẩu TTS, mà là những lao động có tay nghề.

Hơn hai năm trước, Liên hiệp Các doanh nghiệp lớn Nhật Bản (Nippon Keidanren) đã đề nghị chính phủ cho phép sử dụng hợp pháp người lao động nước ngoài, song chưa có phản hồi. Nhiều người dự báo: Luật Lao động cho người nước ngoài, kể cả luật nhập cư, trước sau gì Chính phủ Nhật cũng phải quan tâm tới.

Lâu nay, người Nhật có cuộc sống đầy đủ, chưa ý thức được việc thiếu lao động. Mặt khác, họ không muốn có nền văn hóa khác xen vào làm xáo trộn xã hội Nhật. Nhưng trước xu thế toàn cầu hóa, họ sẽ thấy cần tạo ra xã hội đa văn hóa mới phát triển được. Nếu không, lao động nước ngoài sẽ đến các thị trường EU, Bắc Mỹ; trong khi Nhật Bản tiếp tục đối diện nguy cơ thiếu lao động.

Tháng 6-2006, “Project Team cấp thứ trưởng về vấn đề người lao động nước ngoài” đã đề ra chính sách nhận người nước ngoài. Về cơ bản, những người có chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề cao hoặc y tế xã hội và những du học sinh được khuyến khích ở lại làm việc. Lao động phổ thông thì khó được nhận vào. Từ những nội dung cơ bản này, Việt Nam cần hoạch định chính sách phù hợp để XKLĐ vào thị trường Nhật Bản một cách căn cơ hơn.

Vài nét về GS-TS Bùi Chí Trung

GS-TS Bùi Chí Trung sinh năm 1950, tại Quảng Ngãi, sang Nhật Bản từ năm 1969. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng của Nhật Bản, như giải thưởng “Những thanh niên xuất sắc” toàn nước Nhật năm 1993; giải thưởng “Công lao xã hội” của Báo Chunichi năm 1997; giải thưởng “Công lao xã hội” của tỉnh trưởng tỉnh Aichi năm 2005...

Ông là một trong số 19 kiều bào tại Nhật Bản được Bộ Ngoại giao Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích đặc biệt trong việc củng cố, phát triển cộng đồng cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

3.959 lao động Việt Nam sống bất hợp pháp tại Nhật

Theo Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Tư pháp Nhật Bản, tính đến ngày 1-1-2007, có 145.839 lao động nước ngoài sống bất hợp pháp tại Nhật Bản. Trong đó: Hàn Quốc: 36.321 người; Philippines: 28.491 người; Trung Quốc: 27.698 người; Thái Lan: 8.460 người; Malaysia: 6.397 người; Indonesia: 6.354 người; Đài Loan: 6.347 người; Peru: 5.283 người; Sri Lanka: 4.042 người; Việt Nam: 3.959 người; các quốc gia và vùng lãnh thổ khác: 37.487 người.

GS-TS BÙI CHÍ TRUNG

( nguồn www.nld.com.vn )
 
Bình luận (3)

yoshimune777

New Member
ohh , I'm sorry !! Vậy phiền Bác xóa luôn đi giúp em với .
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top