Hàng vào Nhật sẽ khó khăn hơn

Hàng vào Nhật sẽ khó khăn hơn

TT - Gần đây, một số mặt hàng xuất khẩu của VN vào Nhật vấp phải qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm và đã có cảnh báo nguy cơ mất thị trường này. Vì sao?

Tuổi Trẻ đã trao đổi cùng ông Nguyễn Trung Dũng (ảnh) - tham tán thương mại VN tại Nhật. Ông Dũng cho biết:

- Thông thường, khi các lô hàng nông sản, thực phẩm về đến cửa khẩu thì Nhật chỉ kiểm tra đại diện 5%, nhưng khi bị phát hiện vi phạm thì không chỉ những lô hàng của doanh nghiệp (DN) đó mà có thể của các DN khác của nước đó có cùng loại hàng xuất khẩu sẽ bị kiểm tra 50% kéo dài trong một năm. Nếu tiếp tục vi phạm thì bị kiểm tra 100%.

Trong thời gian bị kiểm tra 100%, nếu tiếp tục vi phạm thì toàn bộ mặt hàng đó có thể bị cấm nhập khẩu vào Nhật. Thực tế đã cho thấy ngay cả Mỹ cũng đã bị cấm nhập khẩu thịt bò vào Nhật Bản.

Lệnh kiểm tra này là hết sức khắt khe vì trong thời gian chờ kết quả kiểm tra, toàn bộ lô hàng chưa được thông quan và nếu có kết luận vi phạm thì toàn bộ lô hàng sẽ bị hủy hoặc tái xuất ra khỏi Nhật Bản.

Hơn nữa, lệnh này sẽ kéo dài vô thời hạn, rất khó để hủy bỏ lệnh này và hoàn toàn phụ thuộc việc các DN vi phạm tìm ra được nguyên nhân và có biện pháp khắc phục hữu hiệu hay không... Khi đã bị Nhật áp dụng lệnh kiểm tra ngặt nghèo thì việc xuất khẩu sẽ bị giảm sút do không cạnh tranh được về giá (vì chi phí lưu hàng tại kho bãi, giao hàng chậm...).

* Theo ông, mức độ vi phạm là có đáng lo ngại và rơi vào những mặt hàng nào?

- Vừa qua, mặt hàng ngò tây của VN đã bị Nhật phát hiện có dư lượng chất chlorpyrifos và bị kiểm tra 50%. Tiếp đến, mặt hàng lươn nuôi, mực tươi, rau cải chân vịt, vừng, cây lúa miến (kể cả đã sơ chế) đã bị áp dụng lệnh kiểm tra 100% theo khoản 3 điều 26 Luật vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật. Với mặt hàng thủy sản, mực đông lạnh (kể cả đã chế biến) cũng đã liên tục bị phát hiện dư lượng chất kháng sinh nên bị Bộ Y tế và lao động Nhật phát lệnh kiểm tra 100%.

Với mặt hàng tôm nuôi của VN, trong tháng 9-2006 Nhật cũng đã phát hiện ba lô hàng của hai DN có dư lượng chất kháng sinh (là chất không được phép tồn đọng trong thực phẩm) nên bị kiểm tra 50%.

Phía Nhật cũng cảnh báo nếu phát hiện thêm bất cứ trường hợp vi phạm nào, mặt hàng tôm nuôi của VN sẽ bị áp dụng ngay lệnh kiểm tra 100%. Đây là điều kiện rất gần với việc thực hiện lệnh cấm nhập khẩu.

* Vì sao ông cho rằng cần phải đặc biệt lưu ý về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng thủy sản xuất vào Nhật?

- Mỗi năm VN xuất khẩu khoảng 600 triệu USD hàng thủy sản sang Nhật. Trong đó, mặt hàng tôm đông lạnh được người tiêu dùng Nhật ưa thích nhất. Hằng năm, ngoài sản lượng thủy sản tự đánh bắt trong nước, Nhật còn phải nhập khẩu khoảng 11 tỉ USD/năm. Các năm trước đây, riêng về xuất khẩu tôm của VN luôn đứng thứ ba trong số các nước xuất khẩu tôm vào Nhật về kim ngạch xuất khẩu cũng như thị phần nhập khẩu của Nhật.

Nhưng đến năm 2005 đã vươn lên vị trí thứ nhất, với kim ngạch khoảng 500 triệu USD/năm, chiếm khoảng 23% thị phần nhập khẩu của Nhật, vượt qua đối thủ mạnh là Ấn Độ và Indonesia. Khả năng VN còn có thể tăng thêm kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vào Nhật. Vì vậy cần phải siết lại để giữ thị trường này.
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top