Hệ thống phân phối hàng hoá của Nhật: Hiểu rõ để tiếp cận

Hệ thống phân phối hàng hoá của Nhật: Hiểu rõ để tiếp cận

Để đưa hàng hóa xâm nhập thành công thị trường Nhật Bản, việc hiểu rõ hệ thống phân phối hàng hóa của nước này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam rất nhiều.


Nhật Bản là nước tiêu thụ hàng hóa lớn thứ 2 trên thế giới với các kênh phân phối hàng hóa đặc trưng. Theo kết quả điều tra của Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, hệ thống phân phối hàng hoá của Nhật Bản có nhiều cửa hàng bán lẻ với mật độ rất dày đặc nhưng quy mô nhỏ.


Những cửa hàng bán lẻ này thường sử dụng trung bình từ 1-49 nhân viên và có mật độ khoảng 13 cửa hàng cho 1.000 dân cư, cao hơn so với tỷ lệ 8,7 cửa hàng/1.000 dân ở Pháp, 6,6 ở Đức, 6,5 ở Mỹ và 6,1 ở Anh.


Nếu tính về số lượng các cửa hàng bán lẻ, Nhật có 1,6 triệu cửa hàng bán lẻ so với 1,5 triệu cửa hàng của Mỹ. Trong khi đó, Mỹ có số dân lớn gấp 2,1 lần và diện tích lớn gấp 25 lần của Nhật.


Cửa hàng bán lẻ và hệ thống phân phối


Các cửa hàng bán lẻ nhỏ trong hệ thống phân phối hàng hoá thường nằm ở các vùng đông dân cư và kinh doanh nhiều loại mặt hàng như: thực phẩm, may mặc và các loại hàng hoá tiêu dùng khác. Các cửa hàng này có đặc điểm tiện lợi và dịch vụ tốt. Trong hệ thống phân phối Nhật Bản còn có các cửa hàng bách hoá lớn và các siêu thị cũng làm nhiệm vụ kinh doanh bán lẻ.


Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh của các cửa hàng siêu thị lớn ở Nhật Bản không cao do thiếu tính linh hoạt, nền kinh tế và chi tiêu tiêu dùng giảm sút.


Gần đây, các cửa hàng bách hoá tổng hợp đang chuyển sang cung cấp nhiều loại dịch vụ, hoạt động giải trí khác nhau, đồng thời, cung cấp nhiều loại hàng hoá cao cấp đắt tiền, kể cả hàng nhập khẩu. Ở Nhật Bản, các nhà bán lẻ không có cửa hàng, chuyên kinh doanh bán hàng qua catalogue, điện thoại, internet, máy bán hàng và giao hàng tận nhà. Doanh số của loại bán hàng này không lớn lắm, nhưng đang tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây.


Trong hệ thống phân phối hàng hoá của Nhật, từ khi hàng được sản xuất ra đến khi giao đến các cửa hàng bán lẻ tồn tại nhiều cấp phân phối trung gian, nhiều hơn so với các nước công nghiệp phát triển khác.


Hiện nay, Nhật có khoảng hơn 430 ngàn cơ sở bán buôn, cứ trung bình khoảng 34 cơ sở bán buôn cho 10.000 dân cư. Nếu tính quan hệ từ nhà sản xuất đến người bán lẻ, thì trung bình có 2,21 nhà bán buôn nằm giữa người bán lẻ và nhà sản xuất, cao gấp 2 lần so với con số 0,73 ở Pháp và 1 ở Mỹ. Do đó, một hàng hoá ở Nhật thường phải trải qua nhiều tầng nấc trung gian và phải đi một quãng đường dài hơn. Trong hệ thống phân phối, các nhà buôn rất quan trọng vì họ có quan hệ mật thiết với các nhà bán lẻ.


Đặc điểm rất độc đáo trong hệ thống phân phối hàng hoá của Nhật Bản là sự tồn tại của hệ thống duy trì giá bán lẻ của nhà sản xuất kiểm soát giá bán lẻ thông qua các chính sách chiết kh u hoa hồng và mua lại hàng hoá. Đối với chính sách mua lại hàng hoá, khác với châu Âu và Mỹ (người mua phải gánh chịu mọi rủi ro về sản phẩm trong phạm vi khu vực phân phối. Chỉ những hàng hoá bị khuyết tật mới được trả lại), tại Nhật Bản người tiêu dùng có thể trả lại các loại hàng hoá như may mặc, sách báo và dược phẩm.


Tất nhiên, hàng hoá đó phải còn nguyên mác, dán tem. Đối với chính sách chiết khấu hoa hồng, Nhật Bản thực hiện nhiều loại chiết khấu và được chiết khấu thường xuyên, chứ không chỉ chiết khấu vào lúc thanh toán tiền hàng như ở châu Âu.


Kết cấu chặt chẽ giữa nhà sản xuất và nhà phân phối


Hệ thống phân phối hàng hóa Nhật Bản có sự cấu kết chặt chẽ giữa các nhà sản xuất và các nhà phân phối theo vòng khép kín và bài ngoại, nhất là những hệ thống cửa hàng chuyên môn hóa chỉ kinh doanh một loại hàng nhất định.


Sự cấu kết này thể hiện như sau: các nhà sản xuất cung cấp vốn cho các nhà bán buôn và các nhà bán buôn lại cung cấp tài chính cho các nhà bán lẻ, thực hiện chế độ định giá bán lẻ, chiết khấu hoa hồng thường xuyên và rộng rãi, chế độ các nhà sản xuất sẵn sàng mua lại hàng hóa nếu không bán được và các nhà bán lẻ chỉ kinh doanh những mặt hàng đó do các nhà bán buôn và các nhà sản xuất giao.


Điều này cũng có nghĩa là không khuyến khích các nhà bán lẻ bán các sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh, hoặc có nghĩa là hạn chế bán sản phẩm cho các khách hàng ở nước ngoài ở địa bàn đã định.


Trong hệ thống phân phối của Nhật Bản còn tồn tại song song hệ thống nhập khẩu. Theo đó, bất cứ một công ty nào cũng có thể nhập khẩu bất cứ một sản phẩm nào từ nước ngoài song song với các tổng đại lý nhập khẩu. Tuy nhiên, dịch vụ chăm sóc khách hàng, bảo dưỡng, bảo hành của hệ thống nhập khẩu song song không tốt vì các tổng đại lý nhập khẩu từ chối chăm sóc các sản phẩm được nhập khẩu theo hệ thống nhập khẩu song song.


Mặc dù hệ thống phân phối hàng hóa của Nhật Bản đã góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, tạo mối quan hệ kinh doanh lâu dài và ổn định giữa các nhà sản xuất và tiêu thụ. Tuy nhiên, theo nhận định của Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, hệ thống này cũng bộc lộ một số nhược điểm như: hệ thống phân phối hàng hóa khép kín qua nhiều tầng nấc làm cho giá hàng hóa tăng giá khi tới tay người tiêu dùng. Giá bán lẻ của Nhật Bản trung bình cao hơn ở Mỹ là 48%, ở Anh là 55%; không kích thích các cửa hàng bán lẻ nỗ lực cải tiến nâng cao hiệu quả kinh doanh, hạ giá sản phẩm; duy trì số lượng cửa hàng bán lẻ đông đảo không hiệu quả; không minh bạch về định giá sản phẩm; hạn chế sự thâm nhập thị trường Nhật Bản của các công ty nước ngoài.


Cơ quan này cũng cho biết, hiện nay, Nhật Bản đang đối đầu với 2 luồng quan điểm nới lỏng quy định về phân phối hàng hóa và bảo vệ duy trì hệ thống cũ. Một mặt, Nhật Bản đang phải chịu sức ép của nước ngoài, không cho hàng hóa của họ thâm nhập thị trường Nhật Bản.


Mặt khác, các quan chức Nhật Bản đang cần sự ủng hộ chính trị của các nhà bán lẻ thì lên tiếng ủng hộ duy trì hệ thống phân phối cũ vì hệ thống này đã được hình thành trong một thời gian dài, đã kết hợp được các khía cạnh về văn hóa, kinh tế, xã hội của người Nhật Bản vì với mật độ dân cư đông đúc, các cửa hàng bán lẻ sẽ là điểm mua sắm ưa thích, không phải lái xe đến các vùng ngoại ô xa xôi, nơi có các siêu thị lớn.


Ngoài ra, với diện tích sinh hoạt của người Nhật Bản rất hạn chế, không có nhiều chỗ để dự trữ nên họ đi chợ mua sắm các loại tạp phẩm và thực phẩm thường xuyên hơn.

(Theo VNEconomy)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top