Lao động VN tại Nhật: Lương 1.700 USD vẫn bỏ trốn

Lao động VN tại Nhật: Lương 1.700 USD vẫn bỏ trốn

images455305_Ba-Ng-Thi-Hang.jpg

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB XH Nguyễn Thị Hằng dự lễ khai trương Ban quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản.

(VietNamNet) - Thu nhập của tu nghiệp sinh VN tại Nhật Bản lên tới 170.000 yên/tháng (tương đương 1.670 USD) nhưng số bỏ trốn năm 2004 vẫn chiếm 28,28% số được phái cử.

Trao đổi của ông Lê Văn Thanh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản về nguyên nhân và hướng khắc phục.

- Thưa ông tính đến thời điểm này thì Việt Nam đã đưa được bao nhiêu lao động vào thị trường Nhật Bản?

- Nhật Bản là một thị trường lao động nhiều tiềm năng nhưng đòi hỏi lao động phải có kỹ thuật cao. Chính vì thế lao động Việt Nam được đưa vào Nhật Bản thường dưới hình thức tu nghiệp sinh. Việt Nam và Nhật Bản đã có chương trình hợp tác tu nghiệp sinh từ năm 1992. Cho tới nay đã có gần 20.000 TNS Việt Nam sang tu nghiệp tại các xí nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản theo nhiều ngành nghề khác nhau như dệt, may, điện tử, cơ khí, chế biến và xây dựng…

Số lượng tu nghiệp sinh Việt Nam được phái cử sang tu nghiệp tại Nhật Bản từ năm 2000 đến 2004 là 9.353 người; trong đó năm 2004 là trên 2.000 người. Tổng số tu nghiệp sinh hiện đang có mặt làm việc tại Nhật Bản trên 8.000 người

Ngoài tu nghiệp sinh, Việt Nam cũng đã đưa được trên 500 lao động có nghề và kỹ thuật cao sang Nhật Bản làm việc.

- Thu nhập bình quân của tu nghiệp sinh cũng như lao động Việt Nam tại Nhật Bản có cao so với các thị trường lao động khác?

- Thu nhập của tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật Bản tương đối cao so với các thị trường khác, bình quân 70.000 yên/tháng (tương đương 680 USD) trong năm thứ nhất và 100.000 yên/tháng (tương đương 980 USD) năm thứ 2, thứ 3. Có những nơi TNS thu 170.000 yên/tháng (tương đương 1.670 USD). Hàng năm tu nghiệp sinh VN gửi về nước khoảng 84 triệu USD. Đây là một khoản tiền không nhỏ tăng thu ngoại tệ cho đất nước và góp phần xoá đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm trong nước.

Tuy nhiên số lượng tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật Bản chiếm tỉ lệ còn quá khiêm tốn, khoảng 4 - 5% trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc là trên 77%, Indonesia là trên 9%, Philippine khoảng 5,4%.

- Phía Nhật Bản đánh giá thế nào về chất lượng tu nghiệp sinh cũng như lao động Việt Nam, thưa ông?

- Tu nghiệp sinh Việt Nam được phía Nhật Bản đánh giá tốt về tay nghề, tính cần cù chịu khó và thông minh. Các tu nghiệp sinh Việt Nam có quan hệ khá tốt với người dân Nhật Bản, cả giới doanh nhân cũng như ngoài xã hội. Mối quan hệ này đã góp phần tăng sự hiểu biết của người dân Nhật Bản về Việt Nam.

Chính phủ, Bộ LĐ - TB & XH xác định Nhật Bản là địa bàn trọng điểm trong việc phái cử tu nghiệp sinh TNS và xuất khẩu lao động.

Giữa tháng 12/2004 Bộ LĐ - TB & XH đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản khai trương Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản để tiếp tục tăng cao số lượng, tăng cường chất lượng TNS và lao động Việt Nam sang Nhật Bản.

- Như vậy có nghĩa là tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật Bản được đánh giá khá cao. Vậy tại sao số lượng tu nghiệp sinh và lao động Việt Nam tại thị trường được xem là trọng điểm này vẫn còn quá thấp?

- Chương trình phái cử và tiếp nhận tu nghiệp sinh Việt Nam sang Nhật bản còn gặp một số khó khăn như tỉ lệ đơn phương phá vỡ hợp đồng bỏ trốn khỏi nơi tu nghiệp (sau đây gọi là bỏ trốn) của TNS Việt Nam vẫn cao. Tỉ lệ tu nghiệp sinh bỏ trốn/tổng số phái cử năm 2004 vẫn chiếm 28,28%. Trong khi đó Trung Quốc chỉ có 1,54%, Indonesia là 6,22%, Philippine là 3,37%. Đây cũng là vấn đề bức xúc nhất hiện nay đã gây ảnh hưởng rất lớn đến chương trình phái cử TNS.

Sở dĩ có tình trạng bỏ trốn là do các doanh nghiệp phái cử tu nghiệp sinh chưa chú trọng đến công tác tuyển chọn, chưa tìm đúng đối tượng có nhu cầu tu nghiệp tại Nhật Bản mà chủ yếu tuyển các đối tượng có mục đích kiếm tiền thật nhiều, sang Nhật một thời gian ngắn đã trốn ra ngoài để kiếm việc cho thu nhập cao hơn (nhưng bất hợp pháp). Hơn nữa, việc kết hợp với chính quyền địa phương, cơ sở sản xuất trong nước chưa tốt, chưa gắn được trách nhiệm của địa phương, cơ sở sản xuất cũng như gia đình đối với tu nghiệp sinh khi tu nghiệp sinh bỏ trốn, vi phạm.

Ngoài ra, số lượng tu nghiệp sinh và lao động Việt Nam tại thị trường Nhật Bản thấp còn do chất lượng tu nghiệp sinh còn thấp, trình độ tiếng Nhật của họ rất hạn chế nên việc tiếp thu kiến thức nghề nghiệp, kiến thức về sinh hoạt tại Nhật gặp nhiều khó khăn.

Chưa kể một số tu nghiệp sinh không quen tác phong sinh hoạt, học tập và làm việc trong dây chuyền sản xuất công nghiệp tiên tiến, gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp tiếp nhận của phía Nhật Bản.

- Là Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản, theo ông cần phải làm gì để nâng cao chất lượng và số lượng tu nghiệp sinh, lao động Việt Nam tại Nhật Bản?

- Chính phủ, Bộ LĐ - TB & XH xác định Nhật Bản là địa bàn trọng điểm trong việc phái cử tu nghiệp sinh và xuất khẩu lao động cho nên phương hướng năm 2005 và những năm tiếp theo là tiếp tục tăng cao số lượng, tăng cường chất lượng tu nghiệp sinh và lao động sang Nhật Bản, tìm mọi biện pháp để giảm tỉ lệ tu nghiệp sinh bỏ trốn tạo hình ảnh tốt đẹp về lao động và tu nghiệp sinh đối với doanh nghiệp và các cơ quản lý Nhật Bản nói riêng và nhân dân Nhật Bản nói chung.

Các doanh nghiệp phái cử phải chú trọng công tác tuyển chọn tu nghiệp sinh. Trước hết, nên tuyển chọn tu nghiệp sinh là những công nhân đang làm việc trong các nhà máy xí nghiệp có cùng ngành nghề sẽ tu nghiệp tại Nhật Bản, có trình độ, phẩm chất đạo đức tốt và thoả mãn các điều kiện mà các doanh nghiệp tiếp nhận đưa ra.

Cải tiến và đổi mới giáo trình cho phù hợp với đối tượng tu nghiệp sinh. Chú trọng giáo dục định hướng. Tăng cường công tác quản lý tu nghiệp sinh trong quá trình đào tạo để loại bỏ những tu nghiệp sinh không đạt yêu cầu về học tập, sinh hoạt tác phong và lối sống. Không ngừng nâng cao điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở đào tạo.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý tu nghiệp sinh tại Nhật Bản. Yêu cầu các doanh nghiệp phái cử cần cử đại diện hoặc phối hợp chặt chễ với các doanh nghiệp tiếp nhận và sử dụng tu nghiệp sinh để quản lý chặt chẽ, giải quyết nhanh chóng kịp thời và triệt để những phát sinh phức tạp trong quá trình tu nghiệp của tu nghiệp sinh cũng như của các doanh nghiệp.

Phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhật bản để phát hiện và xử lý các tu nghiệp sinh bỏ trốn, các doanh nghiệp Nhật bản sử dụng tu nghiệp sinh VN bỏ trốn, các tổ chức lôi kéo lừa gạt tu nghiệp sinh. Tăng cường vai trò của Đại sứ quán tại Nhật bản trong việc quản lý các doanh nghiệp và tu nghiệp sinh.

Đặc biệt, cần có chế tài xử phạt thích đáng đối với tu nghiệp sinh bỏ trốn hoặc vi phạm pháp luật. Ràng buộc trách nhiệm của thân nhân và gia đình đối với tu nghiệp sinh vi phạm. Kiên quyết xử lý đối với các doanh nghiệp phái cử có tỉ lệ TNS bỏ trốn cao...

Còn về phía Ban quản lý lao động Nhật Bản, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, chính sách và phương thức TNS để đề xuất với Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam về chủ trương, chính sách, mô hình quản lý và giải pháp đưa tu nghiệp sinh Việt Nam sang tu nghiệp tại Nhật Bản.

Chúng ta sẽ tiến hành thẩm định các điều kiện và tính khả thi của các hợp đồng tiếp nhận tu nghiệp sinh Việt Nam, thẩm định tư cách pháp nhân, giấy phép tiếp nhận TNS nước ngoài của đối tác Nhật Bản. Hướng dẫn, kiểm tra đại diện các doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến cung ứng và tiếp nhận tu nghiệp sinh, giải quyết các tranh chấp; thực hiện các vấn đề bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của tu nghiệp sinh, của doanh nghiệp theo quy định của Việt Nam và pháp luật Nhật Bản.

Xin cảm ơn ông!

Vân Giang
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top