Nhật đã đi ngược lại xu thế khi rời xa Mỹ?

Nhật đã đi ngược lại xu thế khi rời xa Mỹ?

Năm nay sẽ là thời điểm thử thách quan trọng đối với chính quyền Nhật dưới sự lãnh đạo của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), cũng như năng lực xây dựng Nhật thành một lực lượng mạnh mẽ và độc lập. Thách thức lớn nhất đang nằm ở lĩnh vực ngoại giao và an ninh quốc gia.

Hôm 4/1, trong buổi họp báo đầu tiên của năm mới, Thủ tướng Nhật bản Yukio Hatoyama đã nói: “Khoảng một nửa nền chính trị trong nước, xét theo một mặt nào đó, bị các vấn đề ngoại giao và an ninh quốc gia chi phối. Lời bình luận của Hatoyama có thể đã bắt nguồn từ thực tế mối quan hệ ngày càng trở nên bất hòa với Mỹ liên quan tới vấn đề đầy hóc búa - di dời sân bay Quân đoàn thủy quân lục chiến Mỹ, Futenma, ở Ginowan, Okinawa.




Nếu chính quyền Hatoyama “sẩy chân” trong quan hệ với Washington, công chúng Nhật Bản rất có thể sẽ không còn tin tưởng khả năng giải quyết các vấn đề ngoại giao của DPJ nữa.

Diễn biến này xuất hiện trong bối cảnh thế giới đang trải qua những biến chuyển lớn. Chiến tranh Lạnh, với sự đối đầu của Liên Xô và Mỹ, kết thúc đã được tiếp nối bởi một kỷ nguyên mà ở đó Mỹ vượt lên, trở thành siêu cường duy nhất của thế giới; nhưng tất cả những điều đó, giờ đây đã chấm dứt.

Các sự kiện quốc tế, diễn ra sau cú sốc từ sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Mỹ-Lehman Brothers hồi tháng 9/2008, giờ đang xoay quanh nhóm G20 mới hình thành cũng như vai trò ngày càng tăng của nhóm G2 bao gồm Mỹ và Trung Quốc.

Những xu hướng này cho thấy sự dịch chuyển quyền lực về phía những nền kinh tế khổng lồ mới nổi, như Trung Quốc và Ấn Độ, chứng tỏ một thực tế rằng Washington và Bắc Kinh dường như đang chuyển đổi quan hệ của mình thành mối quan hệ “cộng sinh”.

Hơn 3 thập kỷ qua, Nhật Bản vẫn đẩy mạnh chính sách ngoại giao toàn cầu của mình chủ yếu thông qua câu lạc bộ các nền kinh tế phát triển phương Tây, bao gồm nhóm G7 và G8. Nhưng hai nhóm này ngày càng tỏ ra không còn phù hợp với sự nổi lên của G20 và G2.

Tuy nhiên, vẫn chưa thể khẳng định liệu G20 và G2 sẽ trở thành khuôn khổ để xác lập trật tự toàn cầu trong thế kỷ này được tới đâu. Bởi, vẫn có khả năng hai nhóm này có thể sẽ chỉ là những công cụ giải quyết khủng hoảng.

Điều chắc chắn là khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ vươn lên về tầm quan trọng và các xã hội với chuẩn mực ít khí carbon. Theo hướng đó, chính phủ mà đảng DPJ lãnh đạo sẽ không thể nhầm lẫn giữa việc đặt ra các ưu tiên chính sách liên quan tới Cộng đồng Đông Á và nỗ lực giảm lượng khí thải nhà kính xuống 25% vào năm 2020.

Vấn đề đang đặt ra đối với chính phủ mới này là cách thức tiến hành các biện pháp để đạt được hai mục tiêu trên và tạo ra nền tảng ngoại giao để đạt được những mục đích của mình. Đảng DPJ chưa có nhiều “kinh nghiệm” trong việc đưa ra một khuôn khổ chính sách hiệu quả trước khi giành quyền lãnh đạo chính phủ hồi tháng 9 năm trước. Nên giờ đây, đảng này đang phải tự “mò mẫm” để xây dựng một khuôn khổ của riêng mình.

Sau biết bao trông đợi, nền kinh tế toàn cầu có vẻ đang hướng tới giai đoạn phục hồi. Và Trung Quốc cùng những cường quốc kinh tế mới nổi khác đang dẫn đầu quá trình phục hồi ấy. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, khoảng 80% tăng trưởng kinh tế toàn cầu sau “cú sốc” Lehman có được là nhờ các cường quốc kinh tế mới nổi và các quốc gia đang phát triển.

Đặc biệt, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng rất nhanh chóng. Bên cạnh đó là sự dịch chuyển mau lẹ của cải từ phương tây sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Và như thế, điều này đã mang lại tiếng nói lớn hơn cho các quốc gia mới nổi này.

Hội nghị lần thứ 15 của các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khi hậu được tổ chức hồi tháng 12 tại Copenhagen đã chứng kiến sự nổi lên của một lực lượng mới với tên gọi BASIC – tên viết tắt của các nước Brazil, Nam Phi, Ấn Độ và Trung Quốc.

Cách đây không lâu, thuật ngữ BRIC đã được sử dụng để chỉ các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, thuật ngữ này thường được các chuyên gia thị trường sử dụng. BASIC là khối đưa ra tiếng nói thông qua một diễn đàn quản trị toàn cầu, cả trong các vấn đề chính trị. Đây chỉ đơn giản là một tiến triển tự nhiên, trong đó lần đầu tiên trong lịch sử phần lớn dân số toàn cầu đã có thể góp được tiếng nói về trật tự thế giới.

Từ lúc này, điều đáng chú ý chính là những gì diễn ra ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Trong số các quốc gia thuộc G20, có 9 nước thuộc Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương APEC. Như Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phát biểu trong bài diễn văn hồi tháng 11 tại Tokyo, rằng chúng ta đang ngày càng nhận ra “những hạn chế của việc phụ thuộc quá nhiều vào người tiêu dùng Mỹ và xuất khẩu của châu Á để tăng trưởng”. Vì thế cần phải tạo cầu bên trong khu vực châu Á và làm sâu sắc hơn hội nhập khu vực. Như vậy, thành quả của sự tăng trưởng này và cả những cơ hội nữa sẽ được chia sẻ với thế giới.

Để đạt được điều này, Nhật Bản phải đẩy nhanh các hiệp định tự do hóa thương mại (FTA) với các nước châu Á cũng như với Mỹ. Tuy nhiên trong “chiến lược tăng trưởng mới” vừa được tuyên bố của chính quyền Hatoyama lại không hề nhắc tới FTA với Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc, mà những hiệp định này sẽ là thành tố chủ chốt của một cộng đồng Đông Á, dù cho đó từng nằm trong khẩu hiệu tranh cử của DPJ.

Thiếu sót này dường như là do những quan ngại liên quan tới vấn đề tự do hóa thương mại nông sản. Về một vấn đề khác, để gắn kết APEC với G20 hiệu quả hơn, một nhóm bàn thảo chính sách không chính thức cần phải được thành lập giữa các quốc gia thành viên APEC nằm trong G20.

May mắn là, Nhật Bản sẽ chủ trì hội nghị APEC năm nay, trong tháng 11. Điều này sẽ mang lại cơ hội tuyệt vời cho ngoại giao Nhật Bản đi vào hành động.

Nói về G2, rõ ràng là hiện không có cơ chế chính thức nào như vậy tồn tại. Cả Washington và Bắc Kinh đều từ chối sự tồn tại của một mối quan hệ đặc biệt như vậy. Trên một số khía cạnh, đối thoại chiến lược giữa hai nước là cần thiết bởi có lợi ích nhiều xung đột đang tồn tại giữa hai nước hơn là lợi ích chung. Nhưng trong tài chính, một G2 đã được tạo ra thông qua gắn kết kinh tế của Trung Quốc và Mỹ. Trung Quốc mua trái phiếu chính phủ Mỹ bằng khoản thặng dư thương mại với Mỹ, và điều này lại cho phép Mỹ bù đắp khoản thâm hụt hiện tại. Trong khi Washington muốn Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ (DNT), thì Mỹ cũng phải cẩn trọng trước nguy cơ sụp đổ của đồng đôla.

Bỏ qua học thuyết răn đe và khái niệm đảm bảo tiêu diệt lẫn nhau (MAD) đạt được thông qua sự cân bằng vũ khí hạt nhân, quan hệ giữa hai nước giờ đây được miêu tả là “những nền kinh tế đảm bảo tiêu diệt lẫn nhau (MADE). Lĩnh vực mà ở đó Washington và Bắc Kinh “phải” hợp tác đã mở rộng từ tăng trưởng kinh tế, thương mại và tài chính sang vũ khí hạt nhân, chống chủ nghĩa khủng bố, sự nóng lên toàn câu và xây dựng hòa bình.

Như giáo sư Alastair Iain Johnston của Đại học Harvard - một chuyên gia về chính trị Trung Quốc đã nói, Trung Quốc giờ đây đã là “người trong cuộc” của hệ thống quốc tế. Đối với Mỹ, G2 có thể được xem là một nỗ lực nhằm thuận lợi hóa chiến lược toàn cầu của mình bằng việc biến Trung Quốc thành người trong cuộc có trách nhiệm.

Cùng lúc đó, cũng có những lo lắng cực độ đối với Trung Quốc ngay bên trong nước Mỹ, nếu “sự kết hợp” đó gây nên bất mãn, thì đó cũng chính là nguy cơ Mỹ có thể bị đẩy tới một vị thế bị cô lập. Hơn thế nữa, nếu chỉ quá chú tâm vào G2, thì những nơi khác như EU, Nhật Bản, Nga và Ấn Độ có thể sẽ có cảm giác “bị báo động”.

Nhật Bản có thể đóng vai trò là người giúp ổn định cho quan hệ Trung - Mỹ bằng cách làm săn chắc thêm mối quan hệ của nước này với Washington và Bắc Kinh. Cần chú ý rằng, các nước Châu Á - Thái Bình Dương thường coi liên minh Mỹ - Nhật là một nhân tố tích cực của khu vực.

Hàn Quốc, Australia, Singapore đều bày tỏ mối quan tâm riêng của mình với Mỹ về quan điểm và chính sách đối ngoại của chính quyền Hatoyama đối với Washington. Chính quyền Hatoyama cũng nên lưu tâm đến những mối quan tâm này.

Một số thành viên trong chính quyền Obama xem chính sách ngoại giao của chính phủ Hatoyama là tách khỏi Mỹ hơn. Có người thì hoài nghi rằng xu hướng đó chính là phản ứng trước sự đi xuống của Mỹ, hay là sự thể hiện rằng Nhật đang trở nên phụ thuộc hơn vào nền kinh tế Trung Quốc, hay là những bước đầu tiên dẫn tới vị thế độc lập hơn hay chỉ đơn giản là những dấu hiệu đầu tiên của chủ nghĩa biệt lập.

Tháng trước, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick đã tới thăm Nhật Bản và Ấn Độ. Ông ta tỏ ra ngạc nhiên và nói, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ đang tìm cách tận dụng Mỹ, thì Nhật Bản dường như lại chỉ nghĩ tới việc làm thế nào để rời xa Mỹ.

Trong “thời đại” của G20 và G2, Nhật Bản cần phải nhanh chóng tái xây dựng lại nền tảng ngoại giao. Cái móng của nền tảng này là hội nhập khu vực vào Châu Á - Thái Bình Dương và liên minh Mỹ - Nhật.

Nhật nên đồng thời tiến hành những động thái quan trọng như tái khẳng định liên minh Mỹ - Nhật như một lực lượng ổn định và răn đe trong khu vực và đồng thời, xác định lại mối liên minh bởi vì chúng ta đã qua thời chiến tranh Lạnh và kỷ nguyên hậu chiến tranh Lạnh. Đó là hành động cân bằng ngoại giao cần thiết đối với Nhật Bản.

Bất kỳ giai đoạn chuyển giao nào cũng đều bao gồm cả cơ hội và thách thức. Không có cách tiếp cận một chiều nào sẽ sẽ mang lại hiệu quả. Việc mày mò sẽ là cần thiết, nhưng những gì Nhật Bản phải làm là học cách tồn tại bằng việc giải quyết các vấn đề bằng cách tiếp cận theo nhiều mặt.

(vnnet)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top