Tiếp tục đàm phán gia nhập WTO với Nhật Bản

Tiếp tục đàm phán gia nhập WTO với Nhật Bản

Nửa tháng sau cuộc họp tại Geneva, hai bên sẽ gặp lại nhau ở TP HCM vào 10/3 nhằm thương thảo về vấn đề mở cửa thị trường hàng hoá và dịch vụ liên quan tới tiến trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam.

Trong phiên đàm phán trước đây, một số chuyên gia lạc quan cho rằng Việt Nam có thể kết thúc với đối tác quan trọng này (Nhật Bản là một trong "tứ trụ triều đình" của WTO) ngay trong tháng 3. Tuy nhiên, động thái của cả 2 bên sau những vòng đàm phán song phương gần đây lại chưa toát lên dấu hiệu nào cho thấy khả năng đó thành hiện thực. Tokyo đưa ra yêu cầu cao trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và vẫn đòi hỏi Việt Nam mạnh tay hơn nữa nhằm bảo vệ lợi ích cho các nhà đầu tư của mình. Nhật Bản cũng đề nghị mức cắt giảm thuế khá lớn đối với hàng hoá, đồng thời muốn Việt Nam mở cửa hơn nữa lĩnh vực ngân hàng, vận tải hay phân phối hàng hóa...

Là đối tác cung ứng nguồn vốn ODA lớn nhất hiện nay, Nhật Bản cũng đã ký với Việt Nam một số văn kiện quan trọng, như Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt - Nhật, trong đó giành ưu đãi khá lớn cho các nhà đầu tư Nhật Bản. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đàm phán gia nhập WTO sẽ tách biệt với những gì mà hai bên đã đạt được, và đòi hỏi của phía Tokyo sẽ không dừng lại ở mức họ đã đạt được tại các văn kiện trước đó.

Khoảng cách tiến tới gia nhập WTO đang được rút ngắn, song đây cũng là thời điểm vô cùng khó khăn với Việt Nam. Các phiên làm việc gần đây nhất với một số nước đã không mang lại kết quả khả quan như dự kiến. Các đối tác song phương đưa ra yêu cầu ngày càng cao trong việc mở cửa thị trường và đòi hỏi những thay đổi mạnh mẽ về luật pháp, thể chế.

Việt Nam và các đối tác đang hy vọng sớm kết thúc đàm phán để có thể làm lễ kết nạp thành viên mới ngay tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại các nước WTO ở Hong Kong tháng 12 năm nay. Trong trường hợp khả năng này thành hiện thực, những tháng đầu năm 2006, mới có thể hoàn tất các thủ tục cuối cùng để Việt Nam trở thành thành viên chính thức và thực hiện nghĩa vụ thành viên.

Việt Nam bắt đầu đàm phán để gia nhập WTO từ tháng 7/1998, trên 2 kênh đa phương (đàm phán việc tuân thủ các hiệp định của WTO) và song phương (đàm phán mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ). Đến nay, có 27 đối tác đặt yêu cầu đàm phán song phương về mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ. Trong số này, Việt Nam đã kết thúc với 6 đối tác là Argentina, Brazil, Cuba, Chilê, EU, Singapore.

Song Linh-vnexpress.net
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top