Có lẽ bài viết không đúng box!

Có lẽ bài viết không đúng box!

Đúng như mục bài. Có lẽ bài này sẽ không đúng box nhưng do dự đoán là nội dung sẽ tản mạn linh tinh và không nghiêm túc lắm nên tạm thời cho vào box này. Sau khi nó hoàn tất sẽ xin chuyển qua box khác cho thích hợp.

Xin và chủ đề chính: Đó là việc mở một công ty ở Nhật.

1. Động cơ:

Có người gọi lập công ty là "khởi nghiệp" là "kinh doanh" là " làm ông chủ" v.v... nhưng bản thân tôi thì nghĩ rằng đây cũng chỉ là một cách để kiếm sống như bao nhiêu cách khác. Tuy thế nó sẽ khác với những cách khác ở mức độ rủi ro khi thất bại cũng như mức độ thu vào nếu thành công.

Gần đây tôi thử suy nghĩ (chứ không hề đọc sách quản trị kinh doanh nhé) thì thấy có trăm nghìn lý do khiến người ta quyết định lập riêng cho mình một cái gì đó.

Có người thì không muốn bị người khác đè đầu cưỡi cổ mà muốn cưỡi lên đầu người khác. Cũng có kẻ do bị sa thải và bị đẩy vào đường cùng. Người khác thì do muốn nắm lấy một cơ hội ngàn vàng nào đấy. Cũng có những kẻ không chỉ vì muốn chạy theo trào lưu "làm ông chủ cho oai". Ngoài ra cũng có nhiều người vì cảm thấy sẽ rất uổng phí nếu cứ đóng góp sức lực mình cho ai đấy... và muốn thử sức mạo hiểm với chính mình 1 lần.....

Nhưng chung quy lại thì động cơ chính cũng là vì bản thân và cho chính bản thân mình. Có lẽ rất hiếm có một ai mở công ty ra để đóng góp cho xã hội; cho người khác. Xét về khía cạnh này tôi hoàn toàn không đồng tình với những công ty luôn đánh trống gõ mõ là " vì tình hữu nghị .... vì mối quan hệ...." ... Thực chất ra thì đấy chỉ là cái vỏ bọc. Còn cái bên trong, mục đích chính thì sẽ là một thứ khác: Đó chính là làm cách nào cho túi của anh ta đầy lên!

Tôi vẫn còn nhớ có lần đọc tác phẩm nào đấy của văn hào Oe Kenzaburo. Ông có viết rằng con người trước hết phải lo cho lợi ích cá nhân, kế đến là gia đình> làng xã> đất nước> khu vực> quốc tế. Có lẽ tư tưởng văn học này cũng sẽ không sai trong lĩnh vực kinh doanh hay làm ăn kinh tế(và ở chừng mực nào đấy là cả chính trị nữa).


Do đó tôi rất không ưa những người Nhật và người Việt thường hay nói là sẽ đóng góp, sẽ cống hiến .... Tôi không phủ nhận điều này ! Nhưng câu trả lời có lẽ là " sau khi lo cho cái thân của "tôi" yên ổn rồi và nếu có thể thì tôi sẽ đóng góp và sẽ cống hiến"! thì sẽ thích hợp hơn.

Nói tóm lại thì về bản chất mục đích mở một công ty cũng không khác gì với việc đi kiếm việc làm thêm thời sinh viên hay việc tìm một việc làm chính thức sau khi tốt nghiệp. Đó chính là việc đáp ứng nhu cầu khách quan hay chủ quan của mỗi người!

(Nội dung không tập trung và rõ ròng lắm. Và, nếu như bạn không hiểu tôi muốn nói gì thì cũng xin đừng hỏi vì bản thân tôi cũng không biết tôi đang nói gì).

---còn tiếp----
 
Bình luận (25)

Vũ Điệp

New Member
oh thì cả bài bác kami viết để quanh quẩn chuyện làm kinh doanh là một cách để túi đầy thêm không phải à :D Chờ xem đoạn tiếp theo của bác.
 
Mình nghĩ là thêm vì danh nữa, con người không ai không thích danh lợi cả, nhưng có rất nhiều cách để đạt danh, có lợi, tùy vào khả năng, cơ hội và lương tâm mỗi người sẽ làm mỗi cách. Nhưng người làm kd nhất là mở cty rất cần khả năng giao tiếp tạo lòng tin, hô hào quảng cáo, xây dựng vỏ bọc tốt. Người kd chắc chắc biết hứa hẹn, im lặng, và cả nói láo với mức độ từ vô hại đến...kô xác định.
 

kamikaze

Administrator
Đúng như Vũ Điệp và ngonnhan đã nói. Nhưng xét cho cùng thì danh hay lợi cũng sẽ là cho bản thân cái người gọi là "ông chủ" trước... chứ hoàn toàn không phải là do muốn đóng góp, muốn cống hiến ......

Và trước khi bàn trực tiếp vào lý do của riêng bản thân tôi. Xin được vòng vo một chút xíu.


Trong cuộc sống có những chuyện xảy ra hoàn toàn ngược lại với ước muốn của chúng ta. Hay nói đúng hơn, thời gian đã làm thay đổi suy nghĩ và quyết định của mỗi người.

Có thể lúc còn bé bạn mơ làm một cô y tá dễ thương để chăm sóc cho các anh thương binh đáng kính. Nhưng, rồi khi lớn lên, hiểu hết được những chuyện khác về các anh thương binh kia, hiểu hết về những gì mà người y tá phải chịu đựng thì tự nhiên giấc mơ của bạn cũng tan biến và thay vào đó là một cái gì khác hơn, thực tế với cuộc sống hơn.

Lúc còn bé tôi luôn mơ trở thành công an. Và đến kỳ thi đại học tôi cũng rất muốn đăng ký dự thi vào ngành công an. Nhưng rồi vì lý do không có hộ khẩu thường trú ở vùng mình đăng ký dự thi nên tôi không đủ điều kiện. Số phận đẩy đưa và cuối cùng thì rơi vào ngành Nhật Bản.

Ngày nhập học thì giấc mơ làm công an của tôi cũng biến mất. Thay vào đó là mong muốn ở lại trường đại học để giảng dạy. Tất nhiên đây cũng chỉ là một mong muốn nhỏ và với cái tuổi của sinh viên năm thứ 1 tôi vẫn chưa hình dung được là muốn ở lại trường đi dạy thì phải làm như thế nào... cố gắng ra sao... Tôi chỉ biết cắm cúi vào học và học. Và sau khi tìm hiểu thì tôi nghe nói là muốn ở lại trường thì phải học cao học. Và thế là tôi đặt đích cho mình là cố gắng học cao học.

Hết năm thứ cơ hội qua Nhật học đến với tôi. Tôi rất vui là vì cơ hội ở lại trường sẽ đến gần hơn sau khi nghe thầy trưởng khoa ngỏ lời yều cầu chúng tôi về lại khoa sau khi kết thúc khóa học vì khoa đang còn thiếu giáo viên rất nhiều.

Sau khi qua Nhật 1 năm đáng lẽ phải về lại trường thì tôi đã bỏ qua lời yêu cầu của trường cũng như lời khuyên của một số thầy cô và cả gia đình tôi rằng " Nhật là một nước tư bản chủ nghĩa. Do đó không nên ở lại học sẽ có nhiều khó khăn và nguy hiểm". Lý do chỉ đơn giản là vì tôi cảm thấy tiếng Nhật của mình chưa đủ. Tất nhiên trong thời gian này thì giấc mơ trở về giảng dạy ở trường của tôi cũng vẫn còn.

Sau khi tốt nghiệp đại học thì một số bạn của tôi quyết định về nước(tất nhiên là về lại trường cũ). Còn tôi thì vẫn cố đuổi theo cái ý định về giảng dạy ở trường do đó tôi quyết định học lên 1 chút nữa.

Có lẽ thời gian ở Nhật vừa đi làm đủ thứ chuyện vừa cố theo học chung chương trình với sinh viên Nhật là thời gian khó khăn Nhật của tôi. Nhưng cũng nhờ thế mà tôi có cơ hội nhìn lại chính mình, nhìn lại những gì tôi đã học được ở Việt Nam một cách khách quan hơn. Trong thời gian này tôi vẫn liên lạc với một số người bạn và cả thầy cô tôi ở trường cũ.

Ngày tôi ra trường thì không biết vì lý do gì đó mà ý định về giảng dạy ở trường cũ của tôi cũng tan biến. Thay vào đó là một nỗi lo có vẻ như vô lý: " Về Việt Nam liệu có kiếm được việc làm không?"!

Sau khi đắn đo suy nghĩ tôi đã đưa câu trả lời là tiếp tục ở lại Nhật kiếm việc gì đó làm và sẽ quyết định mọi việc sau!

Và thế là cuộc sống "cu ly" cho Công ty Nhật của tôi bắt đầu.!
Tôi không muốn bàn đến sự tốt xấu hay dở. Tuy thế phải nói rằng cuộc sống ở công ty hoàn toàn khác với cuộc sống ở giảng đường đại học. Nếu như ở trường tôi có thể bàn về chuyện triết lý đông tây, tranh luận về các học thuyết kinh tế với bạn bè thầy cô thì ở công ty là những con số doanh thu hằng ngày... là làm thế nào để trốn thuế..... Những ngày đầu đi làm tôi cứ tự hỏi là những kiến thức học được ở trường liệu có ích gì không? Và thú thật là tôi cảm thấy rất hụt hững.... Tuy thế dần đần rồi tôi cũng buộc phải quen với sinh hoạt thực tế ở công ty. Quen với việc tham dự những cuộc phiên dịch với nội dung cãi vã, thắc mắc giữa người Việt và người Nhật... ngoài ra là quen với việc nghe sự than thở của hai phía (Nhật-Việt) về nhau.


Sau khỏang 3-4 tháng thì tôi lấy lại được thăng bằng và có cách nhìn một cách tổng quát hơn về cái gọi là công ty Nhật. Về sự chu đáo, đúng giờ, trách nhiệm trong công việc của người Nhật thì tôi không lạ lẫm. Còn về sự tử tế thì có lẽ tùy theo người, tùy theo công ty nên không có gì để bàn.

Điều lớn Nhất mà tôi học được hay nhìn thấy ra là tính cách của những người Việt làm việc trong công ty Nhật(xin không đưa ra kết luận đây là tốt hay xấu). Nếu như người Tàu đoàn kết và luôn tìm cách bảo vệ nhau thì.... những người Việt làm trong cùng 1 công ty Nhật luôn tìm cách dìm nhau xuống nhằm mục đích lập công với xếp người Nhật. Thay vào chỉ bảo đàn em về cách làm việc thì họi lại theo soi mói tìm ra những khuyết điểm, sơ hở của đàn em để báo với xếp.....
Và oái oăm thay, có lẽ người Nhật biết rất rõ đặc tính của người Việt nên họ khéo léo điều khiển những "quân bài " người Việt trong tay họ một cách có lợi cho họ nhất(tất nhiên là những người được hay bị điều khiển mặc nhiên công nhận điều này cho dù họ biết hay không biết).


(---còn tiếp-----)
 
...
Trong cuộc sống có những chuyện xảy ra hoàn toàn ngược lại với ước muốn của chúng ta. Hay nói đúng hơn, thời gian đã làm thay đổi suy nghĩ và quyết định của mỗi người.
...
Theo mình kô phải là thời gian làm thay đổi mà là nhận thức thay đổi (lớn lên) dẫn đến sự thay đổi suy nghĩ và quyết định chọn nghề nghiệp của mình. Lúc nhỏ chúng ta thường chỉ hiểu phần nhỏ bề ngoài của công việc mơ ước thôi, phần còn lại là do ta tự vẽ ra.
Lúc nhỏ ta quyết định chọn công việc ta thích, lúc sắp vào ĐH ta chọn công việc mình có sở trường, lúc ra trường ta chọn công việc mình học, lúc đã đi làm ta thường thấy công việc mình chọn không đúng lắm :), đi làm vài năm ta thấy việc nào cũng được miễn lương cao.

Một cuốn sách nào đó có nói là nước Nhật từ xưa đã mang tính cộng đồng rất cao, họ có xu hướng thu nhỏ cái tôi, hay ít nhất là che dấu cái tôi, để đặt tập thể và cộng đồng lên trên. Điều này bắt nguồn từ thực tế là nước nhật có rất ít đất đai và kô mấy màu mỡ, nên từ xưa đã có tập quán các gia đình gần nhau cùng làm việc trên một miếng đất, thay phiên canh tác và cũng chia sản phẩm. Và đến nay vẫn còn thấy rõ điều đó qua giao tiếp thường ngày, rõ ràng nhất là uchi soto.
Có lẽ người việt nam kô quen với việc dẹp bỏ cái tôi của mình nên thấy hơi khó thích nghi ở Nhật.

Một điều nữa là từ tiểu học học trò Nhật đã được đi xem bảo tàng về tàng tích của 2 thành phố bị đánh bom, và luôn dc dạy là đất đất đai rất cằn cỗi, khoáng sản nghèo nàn. Còn ở vn thì ta dc học đất nước ta rừng vàng biển bạc,....
Thực tế đúng như vậy nhưng mình thấy có lẽ trong khó khăn ta dễ vươn lên hơn là khi sung túc đầy đủ, thêm vào đó từ 45 tới nay nước ta luôn có lòng tự hào của người chiến thắng, còn Nhật luôn mang tâm lý của kẻ chiến bại, phải chăng nhờ đó mà họ đi nhanh hơn ???
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

kamikaze

Administrator
Và cũng cần nói thêm 1 chút xíu nữa là tôi bắt đầu công việc với mức lương 18 man(3 tháng thử việc là 15 man). Và sau khi trừ thuế má nhà cửa ra thì hầu như chẳng còn bao nhiêu. Có lẽ cho đến bây giờ nhiều người không tin về điều này. Vì hầu như người nào cũng nghĩ tôi nói dối nhưng đây là sự thật.

Cũng có lẽ có người sẽ cười tôi rằng một kẻ học ở Nhật khá lâu rồi mà chấp nhận đồng lương như thế ư?! Bạn có thể cười và tôi chấp nhận điều đó. Vì, đối với tôi đi làm là để kiếm kinh nghiệm chứ không phải là lương. Và, tôi cũng không có ý định làm lâu dài. Những suy nghĩ này giúp cho tôi nhắm mắt đưa chân với đồng lương khiêm tốn và điều kiện làm việc không mấy tốt đẹp.

(Nhân bàn đến chuyện lương, tôi thấy nhiều bạn ở Việt Nam hiện nay qua Nhật và đòi hỏi mức lương khỏang trên 2000 usd(khỏang 24 man?) trong khi tiếng Nhật cũng còn nằm dưới mức cần thiết và hầu như không có khả năng gì đặc biệt để làm điều kiện để đòi hỏi. Trước khi đòi hỏi không hiểu những bạn này có biết rằng mức lương khởi đầu của một sinh viên Nhật cũng chỉ khỏang 18 man và mỗi năm tăng lên khỏang 5000 yên không?).

Xin quay về với chủ đề chính. Sau khi làm việc vài năm thì lương của tôi cũng tăng lên chút ít gọi là tạm đủ sống cho qua ngày. Và mặc dù các xếp luôn miệng hứa về tương lai 5-10 năm sau công ty sẽ như thế nào và vị trí cũng như lương của tôi sẽ ra sao. Những lời hứa này đưa lại một viễn cảnh khá tốt đẹp. Tuy thế, tôi đã nhận ra một nghịch lý là những điều kiện trước mắt đáng được cải thiện thì hoàn toàn không được cải thiện. Trong khi đó chỉ có những lời hứa cho cả chục năm sau. Hoàn cảnh đã khiến cho tôi suy nghĩ thực tế hơn 1 chút xíu và đi đến quyết định nghỉ việc.

Tôi chuyển sang một công ty khác với hy vọng mọi thứ sẽ tốt hơn. Tuy thế sau một thời gian thì thực tế cũng cho tôi thấy rằng với bản tính ngang ngạnh và không biết cách nịnh nọt của tôi thì chỉ cảm thấy thoải mái khi tự mình làm một cái gì đó. Điều này có thể đưa lại rất nhiều rủi ro nhưng, nó sẽ là một cơ hội cho tôi thử sức với những điều mình muốn.
 

kamikaze

Administrator
2. Chọn hướng đi thích hợp:

Sau khi quyết định làm cái gì đó thì tôi bắt đầu suy nghĩ đến một hướng đi dễ dàng nhất và ít rủi ro nhất. Và, suy nghĩ đến với tôi đầu tiên là "mượn đầu dê bán thịt chó". Có nghĩa là mượn danh một công ty nào đấy để mở một văn phòng đại diện.

Tôi lựa dần trong mối quan hệ từ trước đến nay của mình được vài nơi gọi là đáng tin cậy. Đầu tiên tôi nói chuyện với một công ty A của Nhật. Thực chất thì công ty này có nhã ý với tôi từ trước. Họ yêu cầu tôi viết kế họach. Và sau khi trình kế họach sơ bộ thì họ nói là họ chấp nhận tất cả.

Còn gì vui hơn khi mọi thứ diễn ra theo ý muốn của mình. Tuy thế, sau một vài lần gặp gỡ thì tôi nhận ra một điều rằng: Họ chấp nhận yêu cầu của tôi lúc bạn đầu để rút dần khoảng cách, tạo một mối thân thiện với tôi và sau đấy tìm cách gỡ lại những điều mà họ cảm thấy bất lợi cho họ. Sau những buổi nói chuyện không chính thức(trên bàn họp) mà chỉ là các buổi cùng ăn uống ở quán cà phê, họ dần dần ngỏ ý là muốn thay đổi lại các điều kiện tôi đã đưa ra. Và, cuối cùng thì một bản hợp đồng với chằng chịt những điều khoản ràng buộc với tôi nhưng hầu như không có một điều khoản nào ràng buộc phía họ được thảo ra và họ yêu cầu tôi ký.... Tất nhiên, tuy còn thiếu kinh nghiệm nhưng tôi không phải là một con "nai vàng ngơ ngác" để không đọc và hiểu được những dòng hợp đồng kia....

--- còn tiếp-----------
 

thiet hung

New Member
Cho chen ngang tí: suy nghĩ của bạn rất giống suy nghĩ của tớ, tức là suy nghĩ nói chung của những kẻ "trót dấn bước sang Nhật và trót gắn bó với đất nước này". Điều này cũng có nghĩa là những người đã, đang và sẽ ham thích học tiếng Nhật và gắn bó với đất nước này (một cách tự nguyện chứ không phải do số phận đưa đẩy) sẽ không hiểu được bạn đâu, thậm chí là họ sẽ phản đối. Tất nhiên như bạn nói từ đầu, chủ đề lần này không nhận định ai đúng ai sai mà chỉ là những kinh nghiệm thực tế của bạn thôi.
Đúng là lý tưởng và thực tế khác nhau nhiều. Lúc bé ngồi xem phim săn bắt cướp thì ai cũng muốn lớn lên làm công an để bắn chết hết mấy thằng xã hội đen bặm trợn đi, lớn lên đi làm thì lại sợ mấy ông chủ bé con con người Nhật trách mắng, đuổi việc. Thôi thì đành phải nhìn mấy đứa trẻ con hàng xóm chơi công an bắt cướp bắn nhau pằng pằng mà hy vọng: "hậu sinh khả uý"!!!
Bài viết của bạn hay lắm, nhanh nhanh cho mọi người đọc tiếp nhé
 

Vũ Điệp

New Member
Oh, tự truyện của bác Kami hay phết.
Ngày xin đi làm như bác em cũng chỉ mong kinh nghiệm. Đến khi có kinh nghiệm rồi(đúng hơn là kh còn nhu cầu kinh nghiệm nữa rồi) thì quay lại đàm phán. Đàm phán được nên đành làm tiếp. Hehe, bị đuổi việc cũng không sợ nên chả sợ ai. Làm việc trong khuôn khổ thường thức và nhiệt huyết của mình. Đến khi nào thấy yêu công việc thì chắc em đắc đạo! hahaha.
Hôm rồi uống với trưởng phòng, hắn ví von khá hay. Đời salaryman như gái bán hoa, muốn được nhiều tiền thì chỉ có nước thật chiều lòng khách. Khách tử tế thì bo xứng công, không thì đành chịu. --> Không chấp nhận được thì làm chủ chứa, kiếm được tiền thì lại đi mua hoa. :))
 

yoshimune777

New Member
Bác Kami ơi ! theo em thì mở thêm Box tự truyện ( hay tạp ký - tùy bút ) đi !Thấy bác viết hay thế này em nghĩ là nhiều người khác cũng muốn viết lại những tháng năm kỷ niệm , tâm tư tình cảm , nhận thức cũng như suy nghĩ hay hoài bão của bản thân mình . Tuy là mỗi người có một trình độ học vấn , môi trường xh hay chuyên môn công việc khác nhau , nhưng những trải nghiệm của cuộc sống ,những thành bại vinh nhục cũng như những điều kiện dẫn đến thay đổi nhận thức của mỗi người thì chắc là ít nhiều cũng sẽ có ích cho những người khác , chúng ta có thể tham khảo những trải nghiệm thực tế đó để nhìn lại chính mình , tham chiếu lại những nhận thức của bản thân , cũng như có cái nhìn thực tế hơn về xh , về công việc ,về những thành viên khác của ttnb.net - những người mà ít nhiều đều giống như ta - đã từng có duyên có nợ với nhật bản !
 

kamikaze

Administrator
Và tất nhiên là tôi đã không đóng dấu(ở Nhật không chấp nhận chữ ký mà buộc phải có con dấu) vào cái hợp đồng kia. Thay vào đó tôi đã gửi mail và điện thoại nói rõ những vấn đề khúc mắc. Công ty yêu cầu đến gặp. Sau khi nghe tôi chỉ rõ ra các vấn đề bất bình đẳng trong hợp đồng thì họ biện một số lý do như là do tôi là cá nhân còn họ là pháp nhân v.v.... nên không thể có hợp đồng một cách bình đẳng hơn!??!!!!

Và vui hơn nữa là giám đốc(cỡ 60 tuổi) đã khéo lái câu chuyện sang 1 chủ đề khác. Ông ta nói rằng hợp đồng không quan trong vấn đề là tin tưởng lẫn nhau. Rằng một số người Trung Quốc hợp tác với công ty ông tà không cần hợp đồng.....Rằng ông ta muốn ủng hộ cho những người trẻ tuổi nên không muốn để ý đến chuyện vặt! Rằng ông ta muốn đóng góp cho mối quan hệ Việt-Nhật..... Trong thời gian sống ở Nhật tôi đã hàng trăm lần nghe bài ca cẩm kiểu này của cả người Việt và người Nhật rồi (Thực tế cho thấy những người hay ca cẩm bài ca đóng góp thì chỉ lợi dụng nó để vun vén lợi ích cá nhân thôi!) nên tôi không để ý lắm.... Đợi ông ta kết thúc câu chuyện tôi nói rằng nếu như ông cho tôi sử dụng văn phòng của công ty ông thì tôi sẽ gửi FAX rất nhiều cho khách hàng. Ông ta trả lời ngay: " VẬY THÌ PHẢI GHI RÕ TRONG HỢP ĐỒNG VỀ KHOẢN TIỀN FAX LÀ BAO NHIÊU!"

Nghe đến đấy tôi tự cười thầm và xin phép về để suy nghĩ lại. Vài ngày sau tôi báo với họ là với cách làm việc mập mờ như thế tôi xin không hợp tác với họ nữa.

(Cũng xin nói thêm là đã mấy tháng trôi qua rồi dù tôi từ chối nhưng họ vẫn gửi mail và gọi điện thoại yêu cầu tôi suy nghĩ lại.)

Kế đến tôi lại suy nghĩ đến một vài công ty ở Việt Nam có nhu cầu thâm nhập thị trường Nhật Bản. Do một vài lý do tế nhị tôi không tiện nêu tên công ty ra đây. Tuy thế một đặc điểm chung của các công ty(lớn) ở Việt Nam là tốc độ trao đổi liên lạc rất chậm. Ngoài ra, đòi hỏi họ đưa cũng rất lớn(lý do là có lẽ là vì họ không hiểu về thị trường Nhật hay họ cảm thấy chưa cần thiết về mảng này nên họ thờ ơ. Hay cũng có lẽ vì họ là Công ty nhà nước nên vẫn quen với một lối mòn suy nghĩ ....)

----Còn tiếp---------------

-Cảm ơn mọi ngừơi đã theo dõi và cho ý kiến. Và cũng xin tha thứ cho một điều nếu như mình viết quá cẩu thả và sẽ có sai chính tả tiếng Việt (có những chỗ sai mình nhận ra nhưng do cẩu thả nên không sửa lại nữa).

-Tạo ra box tự truyện gì đấy cũng dễ thôi nếu như các bạn khác cùng có chung yêu cầu.
 

tihonjp

New Member
Kami cố lên ! có lẽ rất nhiều ngưòi ở đây có thể hiểu dc bản chất của nguòi Nhật ,nhưng cũng còn có rất nhiều nguòi vẫn luôn nghĩ rằng nguòi Nhật quá tốt . Ở đây mình ko nói đến quan hệ con ngưòi vì ớ đâu cũng có nguòi tốt,kẻ xấu.Mình chỉ muốn nói đến quan hệ cv,làm ăn.Ngưòi Nhật quá giỏi trong việc tạo ra cho mình một vỏ bọc của cấp trên chu đáo.Nhưng mọi việc trong thế giới này đều có nguyên do của nó.Tôi bây giờ cũng như Kami,đã quá hiểu những trò mị dân của họ.Nhiều khi tôi tự hỏi có phải là do tính cách của tôi ko tốt hay không mà tại sao tôi chuyển đến cty Nhật nào thì cũng có va vấp với cấp trên nguòi Nhật hay những nguòi Việt thân cận của họ,nhưng giờ đây tôi hiểu rằng ko hẳn tất cả đều do lỗi của tôi,tôi chỉ là một nguòi Việt có lòng tự trọng và luôn nói nên những diều mà họ ko muốn nghe vì nó ảnh hủơng đến lợi ích của họ mà nhiều ngưòi Việt khác ko dám nói vì họ sợ ảnh huởng đến miếng cơm manh áo của họ.Tôi đồng ý với Kami về tính đoàn kết bảo vệ lẫn nhau của ngưòi Việt rất kém,duờng như chúng ta chỉ biết lợi dụng những sai lầm của nguòi khác để đạp họ xuống hay là làm một con chó trung thành vẫy đuôi ngoe nguẩy bên nguòi chủ Nhật.
 

YukiSakura

Tia nắng mặt trời
Phần lớn các bạn post bài trong đây (vd như Kami, Vũ Điệp, conon, ngonhan2k5, yoshimune777) chắc đều đang ở Nhật, làm việc trên đất Nhật. Mình đã hiểu thêm được một phần. Nhưng ttnb cũng có 1 số ng làm cho cty Nhật ở VN, ko biết trong đó có gì khác ko mà ko thấy ai lên tiếng.
Hiện nay rất nhiều ng đi học tiếng Nhật, những ng đó rất cần những thông tin bổ ích như vậy.
 

kamikaze

Administrator
là làm một con chó trung thành vẫy đuôi ngoe nguẩy bên nguòi chủ Nhật.

Xin bàn riêng vế vấn đề này 1 chút xíu ! Có lẽ tihonjp dùng từ ngữ hơi nặng một chút nhưng quả thật không sai! Đúng là có nhiều kẻ như thế. Hầu như đi đâu cũng gặp. Khỗn nỗi thay những kẻ này lại được chủ Nhật rất cưng chiều và bản thân họ rất tự hào về điều này! Về nguyên nhân thì cũng có nhiều: Người thì do không biết đi chỗ nào khác nữa nên đành phải ngoan ngoan "vẫy đuôi" bám lấy chủ; kẻ khác thì vì lỡ bị chủ buộc lại bằng cách này cách khác.... Tuy thế họ có chung bản tính là: nịnh nọt trước mặt chủ người Nhật. Còn trước mặt người Việt thì lên mặt kẻ cả, dạy người khác học theo mình. Bản thân mình cũng đã gặp vài trường hợp như thế này rồi(và chính mình cũng đã từng là "nạn nhân" bị theo dõi bởi những kẻ như thế này). Đến bây giờ khi nhớ lại những chuyện họ làm mình vẫn còn cảm thấy mắc cỡ. Có lẽ trước mắt thì người Nhật rất tâng bốc nhưng sau lưng thì họ rất khinh thường những người thế này.

Số ít những người Việt nam ngang bướng, nói đúng ra là có lòng tự trọng, dễ trở thành nạn nhân của kiểu người nịnh nọt trên đây. Và cuối cùng thì một số thì phải chịu đựng mãi hòai. Một số khác thì dứt ra tự làm chủ.

Có lẽ các bạn sẽ bảo tôi là kẻ mất gốc nhưng trong khi nhiều người cứ tìm chỗ nào có nhiều người để đến học tập và làm việc thì tôi tự khuyên bản thân là tìm chỗ nào không/chưa có người việt thì sẽ dễ làm hơn.
 

kamikaze

Administrator
Sau gần cả mấy tháng trời liên lạc, đàm phán với các công ty cả Nhật và Việt thì tôi nghiệm ra là không thể phụ thuộc vào một tổ chức Nhật hay Việt nào nếu mình không muốn bị quản từ trên xuống. Nếu như phụ thuộc vào họ rồi thì có lẽ tình thế cũng không khác gì việc làm cho một công ty nào đấy: Trên bảo thế nào dưới theo thế đó.

Và thế là tôi đành phải đi đến quyết định tự mình làm một cái gì đó.

Sau khi loại bỏ khả năng làm chi nhánh cho tổ chức nào đó thì tôi suy nghĩ đến NPO(tổ chức phi lợi nhuận).

Xin nói thêm về các hình thức tư cách pháp nhân ở Nhật:
-Đại lý(văn phòng thường trú):
Thủ tục thành lập đơn giản. Không cần phải xin giấy phép. Tuy thế không thể hoạt động mang lại lợi nhuận mà chỉ hoạt động mang tính cách thu thập thông tin cho công ty mẹ ở nước ngòai.

-Chi nhánh:
Phải xin giấy phép. Phải có ít nhất một người đại đại diện thường trú ở Nhật. Có tư cách pháp nhân để kinh doanh. Tuy thế, quyền quyết định cuối cùng vẫn thuộc về công ty mẹ ở VN.

-Lập công ty tại Nhật:
Bình đẳng như các công ty Nhật khác. Tuy thế, nếu là người nước ngoài làm chủ thì tiến vốn cần trên 500.0000 Yên(trong khi đó người Nhật có thể lập công ty vốn 1 yên) hoặc thuê từ 2 người Nhật trở lên. Thuê văn phòng riêng. Song song theo đó ngừơi chủ phải tốt nghiệp cao học hoặc có kinh nghiệm quản lý khỏang 3 năm trở lên.

-Tổ chức phi lợi nhuận:
Tùy từng loại hình mà quy định khác nhau. Ai cũng có thể thành lập và không có giới hạn về tiền vốn. Tuy thế, thường phải có một số lượng thành viên nhất định.
Mang tiếng là phi lợi nhuận nhưng vẫn có thể hoạt động để thu lợi nhuận.

---Còn tiếp-----------
 

kamikaze

Administrator
Thế nhưng rồi giải pháp lập một tổ chức phi lợi nhuận với những hạn chế của nó về mặt pháp lý cũng như các đặc thù trong cơ cấu tổ chức đã không phải là giải pháp tốt cho tôi. (Xin sẽ đề cập đến những đặc điểm, hạn chế của tổ chức này ở một bài viết khác).

Sàng lọc mãi thì cuối cùng phưong pháp độc lập hoàn toàn là một giải pháp hơi mạo hiểm nhưng cũng thích hợp cho tôi hơn.

3. Tìm người hợp tác:

Người đời vẫn thường nói: Đừng nghe những gì người ta nói mà hãy nhìn những gì người ta làm. Quả đúng như thế. Người ta sẵn sàng giúp đỡ, hợp tác cùng bạn với những lời lẽ hết sức ngọt ngào cùng những lời hứa chắc nịch. Đối với tôi cũng thế, những lời hứa như thế này đã phần nào giúp tôi sức mạnh để cố gắng.

Tuy thế, khi bắt tay vào công việc thực sự thì mới biết trắng đen, thật hư. Những người với những lời hứa thì dần dần lảnh tránh đi chỗ khác. Hay không lãnh tránh thì họ cũng tìm cách đứng ở vòng ngoài một cách an tòan. Ngược lại, có những người không mà tưởng chừng như không có mối quan hệ gì với mình lại là những người có thể giúp đỡ mình thực sự.

Xin chú ý là tôi không có ý trách móc những người bạn, những người quen biết của tôi mà chỉ muốn nói lên một thực tế thôi. Bởi lẽ mỗi người một hoàn cảnh, một tính cách, một nỗi lo. Và, có sự giúp đỡ của họ thì tôi nhẹ gánh hơn. Nhưng không có nghĩa là không có họ thì tôi không thể đứng lên bằng chính đôi chân của mình. Qua lần này, tôi rút ra cho chính mình một vài điều như sau:

-Không hẳn bạn bè thân thiết là có thể kinh doanh với nhau một cách thành công.
-Càng thân thiết thì sẽ có những việc khó xử trên mặt quan hệ kinh doanh.
-Nên tách rõ rạch ròi giữa ranh giới bạn bè, quen biết và công việc.


---Còn tiếp------
 

nhaQuynh

New Member
Bản thân nhaquynh nguời chưa có kinh nghiệm trong công việc ,có đi làm thì cũng chỉ là làm thêm một số việc để có kinh nghiệm trong cách cư xử ...Nhưng dù sao sống ở xã hội này cũng hiểu được phần nào về người Nhật và người VN sống ở Nhật.
Trong một nhà hàng nhỏ hay một shop bán đồ áo đi chăng nữa cũng có chủ và những người làm ,việc xây dựng mỗi quan hệ quả thực rất khó khăn và bạn phải khéo léo trong cách ăn nói với chủ , phải biết lấy lòng (điều này người Vn mình ai đã giỏi thì cực kì giỏi nhưng ai đã dở thì không thể nào dở hơn bởi tính bộc trực ,thẳng thắn )Điều đó theo nhaquynh thấy không phải là xấu , tuy nhiên nếu không nhanh nhạy bạn sẽ trở thành quân bài mà sự điều chỉnh là những ông chủ người Nhật . Muốn không phụ thuộc nhiều vào chủ và tránh con mắt của những người Vn quá khéo léo bạn phải làm việc thật tốt (độc lập làm việc , nhanh nhẹn va thông minh ).Tuy nhiên thì nhaquynh cũng nhận thấy như bác kami nói rằng chỗ nào không/chưa có người việt thì sẽ dễ làm hơn.
Một người ít hoài bão như nhaquynh bài viết của bac Kami rất có ích .Cảm ơn bác kami nhiều và mong được đọc những dòng tiếp theo sớm hơn .
 
Đọc đến đây thì cảm thấy môi trường kinh doanh của Nhật phức tạp ghê, toàn lừa lọc, giả dối thôi. Nhưng hình như các công ty của Nhật ở VN thì khác, họ uy tín và đoàn kết ghê lắm, họ ưu tiên xài dịch vụ, nguồn hàng của các cty Nhật cho dù đắt và chất lượng cũng không hơn của các nước khác.
Còn với đối tác thì họ chọn rất kĩ và khi đã trở thành đối tác thì họ rất tin tưởng và luôn giữ quan hệ lâu dài, dù là cty VN.
May là cty của mình chỉ là sản xuất nặng tính k thuật, ít đụng tới buôn bán thủ tục nên mọi thứ có vẻ vẫn đơn giản, mọi người hầu như ai lo việc nấy, hoặc làm theo nhóm, hỗ trợ nhau rất tốt. Có thể là do đa phần còn trẻ nên còn thoáng chăng, hay là mình vẫn chưa thấy hết bên trong.
Nhưng tới nay mình vẫn chưa có gì để phàn nàn, từ ngày mình qua đây, đc họ lo lắng giúp đỡ nhiều, từ đường đi, cách mua chỗ mua vật dụng đồ đạc họ đều lo cho hết, hằng ngày ông quản lý vẫn đến rủ đi làm chung bằng xe đạp.
Trong lúc nói chuyện hễ nghe mình cần chi là lập tức cả bọn họ chia nhau cử người dẫn đi mua, có khi còn xách oto chở đi. Đến bây h mới mấy tháng nhưng mình đã thân với một 2 người, đã mời đến nhà ăn cơm, thỉnh thoảng đi ăn cơm tối, nhậu nhẹt cuối tuần đi shop...Ngày T2 mới từ chối một lời mời cơm trưa, vì bận ngủ :).
Mình vẫn tin là với 10 mấy năm thì những trải nghiệm Kami chắc chắn đúng, do đó mình sẽ đề phòng kĩ hơn.

Còn chuyện người VN thì chắc là đúng rồi, đã đi vào truyền miệng rồi. Đúng là tệ quá.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

kamikaze

Administrator
@NhaQuynh:

Rừng cũng có cây tự vươn lên. Có những câu chuyên sống ký sinh vào những vật thể khác. Do đó chuyện có nhiều loại người thì đành phải chấp nhận thôi. Khéo léo để vừa bảo vệ được mình vừa không đánh mất bản thân cũng như không (ít ra là không) làm hại đến những người Việt khác mới gọi là khéo léo. Còn nếu như chỉ tìm cách hại người(Việt) khác, tìm cách nịnh nọt để vươn lên thì có lẽ không thể gọi là khéo léo được nhỉ?!!


@ngonhan2k5

Vừa mới qua một vài tháng thì cảm giác người Nhật tử tế là đúng rồi. Và, đúng như thế cũng có một số người Nhật(cả chủ lẫn người làm) rất tốt và tốt thật sự nữa. Ai may mắn vào những nơi nhu thế này thì sẽ có cách nhìn khác về Nhật.

Rồi thời gian trôi qua ngonnhan2k5 sẽ dần dần nhận ra mọi thứ thôi. Khi mà tiếng Nhật khá lên để có thể tìm hiểu mọi thứ, khi mối quan hệ càng rộng ra và có cơ hội tiếp xúc với nhiều người và khi có thời gian để đặt những câu hỏi cho chính bản thân mình thì sẽ có một cách nhìn khách quan và công bằng hơn về người Nhật.

Về chuyện quan hệ làm ăn thì ở đâu cũng thế mà. Chẳng phải kinh doanh là tìm cách vượt lên nhau để kiếm lời/lợi hay sao. Do đó cũng chẳng có gì gọi là xấu hay lừa lọc cả.

Ngay cả việc làm cho bạn có nhận xét

"Nhưng hình như các công ty của Nhật ở VN thì khác, họ uy tín và đoàn kết ghê lắm, họ ưu tiên xài dịch vụ, nguồn hàng của các cty Nhật "

Cũng là một sự thành công của họ rồi. Thật ra thì trong nội bộ các công ty này nhiều lúc vẫn có "bão" nhưng họ không để lộ ra ngoài thôi. Việc chỉ tin dùng hàng của Nhật là một nét văn hóa của họ.
 

nhaQuynh

New Member
"nịnh nọt để vươn lên thì có lẽ không thể gọi là khéo léo được nhỉ?!!"
Chắc là vậy ! bởi "nịnh nọt " và "khéo léo " là hai phạm trù tưởng như gần nhưng lại rất xa . Trong kinh doanh nếu không khéo léo chắc cũng khó có thể thành công ,cũng như trong rừng nếu không có những cây tự vươn lên và những cây sống ký sinh thì không được gọi là rừng .
Và trong xã hội sống sao cho được lòng mọi người thật khó biết bao .
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top