Khó khăn chờ đón tân Thủ tướng Nhật

Khó khăn chờ đón tân Thủ tướng Nhật

p20aa1.jpg
Cuộc bầu cử chức Chủ tịch đảng Dân chủ tự do cầm quyền của Nhật Bản sẽ diễn ra vào ngày mai, với hai ứng viên Yasou Fukuda và Taro Aso. Vị thủ tướng mới của xứ mặt trời mọc cũng được xác định trong cuộc đua này.


Sau khi ông Shinzo Abe tuyên bố từ chức Thủ tướng Nhật Bản, cựu Chánh văn phòng Nội các Yasuo Fukuda được coi là ứng viên nặng ký nhất trở thành người kế nhiệm. Ngay cả ông Taro Aso, một ứng viên khác, cũng thừa nhận mình có ít cơ hội trong cuộc bầu cử chức Chủ tịch đảng Dân chủ tự do (LDP) vào hôm nay mà người chiến thắng đồng thời cũng sẽ là thủ tướng mới của nước Nhật. Vì thế, khi cuộc đua chưa diễn ra, nhiều người đoan chắc rằng ông Fukuda sẽ lên thay ông Abe.

Ứng viên Fukuda, 71 tuổi, được ủng hộ nhiều bởi ông đại diện cho một hình mẫu lãnh đạo khác ông Abe. Là người ôn hòa và dày dạn kinh nghiệm, ông được chờ đợi sẽ đủ khả năng để tránh những sai lầm mà người tiền nhiệm Abe đã mắc phải. Cựu Ngoại trưởng Aso thì lại được nhiều người đánh giá là một phiên bản của Thủ tướng Abe, người phải ra đi chỉ sau một năm cầm quyền. Ông Abe đã không thành công, nên ông Aso không được kỳ vọng là điều dễ hiểu.

Nhưng dù người mới là ai thì vẫn phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Ông Abe phải ra đi sau khi nội các của ông dính vào hàng loạt vụ bê bối, với không ít bộ trưởng từ chức, thậm chí có người tự tử. Nói cách khác, sai lầm trong việc dùng người đã làm hại ông Abe. Những chính sách nặng tính bảo thủ, cả đối nội lẫn đối ngoại, là một nguyên nhân khác. Giờ đây, người kế nhiệm ông phải tránh đi vào vết xe đổ mới hy vọng cầm cự được lâu. Nhưng điều đó không hề đơn giản.

Vị tân thủ tướng sẽ phải gánh hậu quả của những sai lầm dưới thời Abe. Trong đó, nặng nề nhất vẫn là thất bại ở cuộc bầu cử Thượng viện. Đảng cầm quyền LDP đã mất thế áp đảo ở Thượng viện, có nghĩa là mỗi chính sách của người kế nhiệm, dù là Fukuda hay Aso, đều vấp phải thách thức lớn. Đầu tiên là sứ mệnh hỗ trợ hậu cần cho lực lượng do Mỹ chỉ huy ở Afghanistan. Chính ngài Abe, khi nhận thấy nếu tiếp tục ở lại thì sẽ không thuyết phục được các nghị sĩ đối lập thông qua việc gia hạn hỗ trợ quân sự cho Mỹ, đã phải ra đi.

Cả hai ứng viên kế nhiệm là Fukuda và Aso đều quả quyết sẽ thúc đẩy việc gia hạn sứ mệnh quân sự trên. Tuy nhiên, thuyết phục Thượng viện ủng hộ không phải dễ, mà hạn chót cho vấn đề này không còn xa: ngày 1.11. Tiếp sau sứ mệnh quân sự quốc tế là những vấn đề trong nước, nhạy cảm hơn nhiều, chẳng hạn như ngân sách quốc gia cho tài khóa 2008-2009, chính sách thuế, phúc lợi... Đây là những lĩnh vực rất dễ gây phản ứng từ người dân nên nếu không triển khai khéo léo, người kế nhiệm ông Abe sẽ đối mặt với nguy cơ lớn, thậm chí còn lớn hơn cả những gì ông Abe từng trải qua.

Khi đó, các đảng đối lập có thể tận dụng những vấp váp của thủ tướng để kêu gọi bầu cử sớm tại Hạ viện. Đó sẽ là tai họa, bởi giữa lúc uy tín của LDP đang sụt giảm thì liên minh cầm quyền khó tránh khỏi bị mất ghế, nếu không muốn nói là mất luôn thế đa số ở Hạ viện.

Đỗ Hùng - Thanh Nien Online
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top