Những hình xăm cụt ngón Yakuza

Những hình xăm cụt ngón Yakuza

Bất kỳ kẻ nào gia nhập Yakuza đều buộc phải xăm mình như một nghi thức thể hiện sự gắn bó. Mỗi lần lập chiến tích, Yakuza được nhận thêm một hình xăm mới. Kẻ nào phạm lỗi sẽ phải tự chặt một đốt ngón tay mình gói vào mảnh lụa đem dâng lên ông trùm như một cử chỉ hối lỗi.


Kiểu trừng phạt này nhằm làm cho bàn tay cầm kiếm của kẻ phạm lỗi bị yếu đi bởi nếu tiếp tục phạm lỗi, chúng phải chặt thêm một đốt nữa của chính ngón tay đó hoặc của ngón khác. Đối với những tên Yakuza lừng lẫy hoặc già đời, diện tích hình xăm có thể phủ hết toàn thân chỉ chừa 2 cánh tay và cổ.

Ngày nay, xăm mình và chặt ngón tay chỉ còn mang tính chất nghi thức. Theo thống kê trong những tên Yakuza hiện đại, có hơn 90% tên xăm mình, 43% tên có bàn tay cụt ngón, nhiều tên cụt 2 ngón và hơn nữa.

Những kẻ dưới đáy xã hội

Sau hàng ngàn năm nội chiến triền miên, năm 1604, Tokugawa, Shogun mạnh nhất đã dẹp tan nạn cát cứ, đưa Nhật Bản bước vào thời kỳ mới với quyền lực phong kiến Trung ương tập trung vào Mạc phủ, được dựng lên bên cạnh Nhật Hoàng vốn chỉ còn mang ý nghĩa tượng trưng.

Chiến tranh chấm dứt, 500.000 samurai chỉ quen chinh chiến lâm vào cảnh thất nghiệp. Một phần trong số họ đã tập hợp nhau lại thành những băng cướp đường gọi là gurentai (tức lũ lưu manh). Một số khác đổi nghề, gia nhập đạo quân tekiya (tức đích gia - người bán hàng rong).

Để phòng ngừa những âm mưu cát cứ, Tokugawa đã cho xây dựng công lộ Tokaido nối liền kinh đô Kyoto với Edo (tên gọi cũ của Tokyo), buộc các lãnh chúa phong kiến hằng năm phải mang gia quyến theo công lộ này về chầu tại Kyodo một thời gian, thực chất là giữ làm con tin đề phòng mưu phản. Trên toàn tuyến công lộ này, 53 dịch quán đã được dựng lên, chưa kể hàng trăm dịch quán khác nằm rải rác trên những trục đường nhánh trên cả nước làm nơi nghỉ ngơi cho gia đình các lãnh chúa trên đường về kinh đô. Đó chính là mảnh đất màu mỡ cho bọn tekiya, vừa bán hàng vừa ăn cắp vặt kiếm sống.

Chia chác quyền lợi với các tekiya là những tên gá bạc gọi là bakuto (bác đổ). Theo thời gian, ba loại người này liên kết lại với nhau tạo thành những băng nhóm lưu manh chuyên nghiệp đặt dưới sự quản lý của các ông trùm địa phương, được những kẻ đại diện luật pháp làm ngơ để nhận tiền hối lộ. Người dân gọi chúng bằng tiếng lóng là Yakuza.

Trong tiếng Nhật, Yakuza nghĩa là bát - cửu – tam, tổng của chúng bằng 20, con số bét nhất trong bài cào 3 cây. Từ ý nghĩa số “bù” trong trò cờ bạc, Yakuza đã trở thành tiếng lóng để gọi chung những phường vô lại một cách miệt thị. Vừa mang dáng dấp hội kín, vừa mang ý nghĩa tôn giáo (Thần đạo), Yakuza đề cao tinh thần tuyệt đối trung thành, dựa trên mối ràng buộc thân phận - tử phận của kẻ dưới đối với người trên.

Những “nhà ái quốc bẩn thỉu”

Phong trào Duy Tân Minh Trị xóa bỏ chế độ Mạc phủ, mở cửa giao thương cùng thế giới bắt đầu từ năm 1867 đã đưa nước Nhật hùng mạnh rất nhanh nhưng lại gặp phải sự chống đối quyết liệt trong những kẻ bảo thủ Nhật Bản, kích thích sự ra đời chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở đảo quốc này.

Tập hợp lực lượng từ những tên tội phạm trên đường phố, năm 1881, Mitsuru Toyama, con trai thứ ba trong một gia đình samurai vô danh ở đảo Kyushu đã lập nên Liên minh của những hiệp hội dân tộc chủ nghĩa và những nhóm yêu nước trên toàn Nhật Bản, gọi tắt là Huyền Dương xã. Thực chất là một liên minh bán quân sự, Huyền Dương xã đã nhanh chóng thực hiện hàng loạt hành động chính trị cực hữu bẩn thỉu nhất như khủng bố, ám sát, gây áp lực... đẩy Nhật Bản vào một giai đọan đen tối, hỗn loạn và luôn kề cận chiến tranh.

Vốn nặng về mưu lợi kinh tế, thoát ly chính trị, ban đầu Yakuza không dính líu gì đến Huyền Dương xã và khuynh hướng chính trị cực hữu. Đến đầu thế kỷ XX, phong trào công nhân Nhật Bản phát triển mạnh, hàng loạt tổ chức công đoàn mang khuynh hướng thiên tả được lập nên trong các nhà máy, đe dọa loại bỏ ảnh hưởng và quyền lợi của các nghiệp đoàn đen đã khiến các ông trùm Yakuza hoảng sợ, ngả dần về phía chủ nghĩa dân tộc cực hữu. Chúng nhanh chóng bị hấp dẫn và gia nhập hàng ngũ Kokuryu-kai (Hắc Long giang túy hội), do Ryohei Uchida, người kế tục Mitsuru Toyama trong Huyền Dương xã thành lập năm 1901.

Kể từ đây, từ những tên tội phạm đường phố mạt hạng, Yakuza đã chính thức thò chân vào những biến cố chính trị, trở thành những “nhà ái quốc bẩn thỉu” với tôn chỉ hoạt động rất vô chính phủ gồm 3 chống: chống chủ nghĩa tư bản, chống chủ nghĩa cộng sản và chống nền dân chủ kiểu phương Tây.

Năm 1919, được Toyama giang tay thu nhận, những ông trùm Yakuza đã dẫn 60 ngàn tên vô lại tham gia và làm lực lượng nòng cốt cho tổ chức Dai Nippon Kokusa-kai (Đại Nhật Bản túy hội) do nhà chính trị cực hữu này thành lập, đẩy nước Nhật trượt dài theo khuynh hướng phát xít. Trong vòng 15 năm từ 1930 đến 1945, Yakuza đã “làm chính trị” bằng cách gây ra 29 vụ chính biến, ám sát 2 thủ tướng, 2 bộ trưởng, góp phần đưa nước Nhật nhảy vào vòng xoáy Chiến tranh thế giới lần thứ 2 trong tư cách là thành viên phe phát xít.

Amphêtamin và chiến tranh băng đảng

Chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc, chính phủ quân phiệt sụp đổ, 646 tên tội phạm chiến tranh đã bị lực lượng chiếm đóng tống vào tù chờ ngày ra tòa. Đó là cơ hội tốt cho Nhật Bản hồi phục nền dân chủ. Đảng Cộng sản Nhật Bản cũng nhân cơ hội này phát triển mạnh mẽ, số lượng đảng viên từ 8 ngàn người năm 1946 đã phát triển lên 100 ngàn năm 1949. Hoảng sợ trước sự lớn mạnh của “làn sóng đỏ”, tướng McActhur đã vội vã phóng thích và sử dụng một loạt tù nhân chiến tranh, hà hơi tiếp sức để chúng xây dựng lại lực lượng làm nòng cốt chống Cộng.

Trong số này, nguy hiểm nhất là việc phóng thích cựu đề đốc Hải quân Yoshio Kodama, trùm tình báo đồng thời là kẻ có ảnh hưởng rất lớn đối với cả trăm ngàn tên Yakuza trên toàn nước Nhật. Trước khi vào tù năm 1946, Kodama đã bàn giao toàn bộ mạng lưới Yakuza dưới tay mình cho một chiến hữu thân tín là Karoku Tsuji - một nhân vật bí mật trong nền chính trị nước Nhật.

Tồi tệ hơn nữa, năm 1953, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Tokutaro Kimura còn cấp tiền cho Tsuji tập hợp 200 ngàn tên Yakuza để lập nên cái gọi là “Trung đoàn yêu nước chống Cộng kiếm tuốt trần”. Đến năm 1954, lo sợ sự lộng hành thái quá của bọn vô lại sẽ kéo nước Nhật trở lại thời kỳ hỗn loạn như năm 1937. Thủ tướng Nhật Yoshida đã phải ra lệnh giải tán trung đoàn tội phạm này. Thế nhưng, Yakuza cũng đã kịp củng cố lại, đạt đến con số khoảng 70 ngàn tên trong những năm 55 - 65, nghĩa là đông hơn cả quân số của... quân đội Nhật (lúc này chỉ được tồn tại hạn chế dưới hình thức Liên binh phòng vệ).

Sự trỗi dậy của những người “tam quốc nhân” cũng là một nguyên nhân khiến Yakuza được dung túng. Trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2, có hơn 2 triệu rưỡi người Triều Tiên và gần 500 ngàn người Trung Quốc bị bắt sang Nhật lao động như nô lệ. Sau chiến tranh, còn tới hơn 6 trăm ngàn người Triều Tiên ở lại Nhật Bản, chủ yếu sống bằng các nghề buôn bán chợ đen và bị các tổ chức băng đảng khống chế. Kempeitai, tổ chức hiến binh Nhật đã bị giải tán, cảnh sát bất lực, quân đội chiếm đóng Hoa Kỳ đã làm ngơ cho Yakuza hoạt động để bọn này kìm chế bớt sự lộng hành của những băng “Tam quốc nhân” gốc Triều Tiên.

Gặp thời, những tên Yakuza có nguồn gốc teikya lại phát triển mạnh. Tại Tokyo, dưới sự thống lĩnh của ông trùm Kinosuka Ozu, bọn tekiya đã phát triển số nhân lên 22.557 tên, kiểm soát 88% trên tổng số 45.000 cửa hàng bán lẻ ở thủ đô. Trên toàn quốc, thị trường lao động có 14 triệu người thì 3 triệu trong số đó đã do Yakuza kiểm soát.


Hùng mạnh nhất trong những băng Yakuza Nhật Bản phải kể đến băng Yamaguchi-gumi do ông trùm khét tiếng Kazuo Taoka thống lĩnh. Sinh năm 1913 tại đảo Shikoku, mồ côi cả cha lẫn mẹ, ngay từ nhỏ Taoka đã phải lăn lóc làm thuê trên bến cảng Kobe. Năm 14 tuổi, Taoka liên kết sau đó kết nghĩa huynh đệ với Nohuru Yamaguchi, ông trùm của băng Yamaguchi đang làm ăn cò con trên cảng Kobe. Vừa bước chân vào thế giới ngầm, Kazuo Taoka đã lập tức nổi danh vì sự tàn bạo. Trong một trận thư hùng hắn đã dùng tay không móc mắt đối phương nên được đồng đảng gán cho biệt danh Kuma (con gấu). Năm 1945, hắn phải vào tù vì tội giết người, 8 năm sau mới được thả và bị đưa vào lính.

Vị trí ông trùm chỉ thật sự lọt vào tay Taoka vào năm 1946. Yamaguchi chết, Taoka lên thay, có trong tay vẻn vẹn 25 đệ tử. Nhưng, là một kẻ có biệt tài tổ chức, Taoka đã nhanh chóng bành trướng thế lực thống lĩnh toàn cảng Kobe và vùng Osaka, sau khi thu phục được băng Triều Tiên khét tiếng do Hisayuki Machii (Tên thật là Chong Gwon Yong) chỉ huy và xóa sổ luôn cả băng Honda-kai vốn đã liên minh với băng Yamaguchi từ mùa thu năm 1940. Đến năm 1964, Taoka đã thâu tóm trong tay một lực lượng hùng hậu tới hơn 10 ngàn tên Yakuza, kiểm soát cả thảy 343 băng lớn nhỏ, nắm toàn bộ việc thầu xây dựng cảng Kobe và Osaka, toàn bộ ngành bốc xếp, vận chuyển hàng trong 2 cảng, thống trị 80% hoạt động dịch vụ tại cảng Kobe với 14 xí nghiệp trực thuộc. Ngoài ra, Taoka còn là ông trùm toàn bộ lĩnh vực cờ bạc và tổ chức hoạt động biểu diễn trong khu vực này. Riêng trong năm 1965, nhờ các hoạt động phi pháp, Taoka đã kiếm được 17 triệu USD…

Lo lắng trước sự bành trướng của Kazuo Taoka, năm 1964, Yoshio Kodama đã đề xuất thành lập một liên minh Yakuza toàn quốc. Vào giờ chót, Taoka đột nhiên rút lui cho nên Kodama chỉ tập hợp được 7 băng vùng đồng bằng Kanto (thủ đô Tokyo nằm trên đồng bằng này) do Inagawa làm thống lĩnh.

Nguyên nhân của việc Taoka ly khai là do bất đồng trong vấn đề ma túy. Trong chiến tranh, quân đội Nhật đã phát hiện ra tác dụng hưng phấn của amphêtamin, tổ chức sản xuất hàng loạt để phát cho các phi công thần phong. Chiến tranh kết thúc, Yakuza đã nhanh tay tiếp quản được số amphêtamin thặng dư này tuồn ra chợ đen, thu lợi kếch sù. Hết ma túy dự trữ, một đường dây cung cấp ma túy từ Hà Lan và Nam Triều Tiên về Nhật đã nhanh chóng được thiết lập, giúp tạo nên sự giàu có và thế lực hùng mạnh cho các ông trùm vùng đồng bằng Kanto.

Không từ chối việc giết người nhưng lại giữ nguyên tắc không đụng vào ma túy, Taoka đã đơn phương rút khỏi liên minh khi nó chưa kịp thành lập. Phải 8 năm sau, ngày 24/10/1972, Taoka mới chịu ngồi chung với Inagawa để hợp nhất thành băng Yamaguchi - Inagawa với tổng cộng 13 ngàn tên đầu trâu mặt ngựa.

Năm 1982, hai năm sau khi Taoka chết, Inagawa thay quyền thống lĩnh, nguyên tắc không dây vào ma túy bị xé bỏ hoàn toàn, đem lại cho băng Yakuza một khoản lợi nhuận khổng lồ khoảng 1,9 tỉ USD/năm, chủ yếu nhờ 2 mặt hàng chính là hêrôin và amphêtamin.

Theo báo cáo của cảnh sát, vào thời hoàng kim, Yakuza Nhật kiểm soát được từ 50 - 150 tỉ USD ngoài sự kiểm soát của nhà nước, thu lãi 16 tỉ USD/năm. Riêng Inagawa, ông trùm của mọi ông trùm đã nắm trong tay gần 800 doanh nghiệp hợp pháp, thu về mỗi năm 200 triệu USD lợi nhuận, đồng thời được 119 ông trùm khác cống nạp liên tục mỗi người 1.300 USD/tháng.

Dù là tội phạm có tổ chức của thời hiện đại, Yakuza vẫn được duy trì bằng những quy tắc hà khắc, nghiêm cẩn của thời phong kiến nên tội ác rất ít bộc lộ ra ngoài. Dù chứa trong lòng cả trăm ngàn tên Yakuza, năm 1981, cả nước Nhật cũng chỉ ghi nhận được có 22 vụ giết người. Khi một nhà báo Mỹ phỏng vấn, ông trùm Inagawa đã trả lời rất ỡm ờ: “Số còn lại chúng tôi gửi sang Mỹ hết rồi!”.

Tên trùm tội phạm này có lẽ không đáng gọi là nói càn, bởi cũng thời điểm đó, riêng tại New York (Mỹ) đã có tới 1.832 vụ giết người

(Theo: Báo Công An Nhân Dân )
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top