Nước Nhật và “triều đại” Koizumi

Nước Nhật và “triều đại” Koizumi

(Dân trí) - Ít có một nhà tiền nhiệm nào có cách dẫn dắt đất nước Nhật như Thủ tướng Koizumi đã dẫn dắt trong suốt 5 năm qua. Nhưng cụ thể, cải cách mà kỷ nguyên Koizumi tạo ra đã làm được những gì cho đất nước mặt trời mọc?


Dấu ấn kỷ nguyên Koizumi



Trong một cuộc đón tiếp phái đoàn doanh nhân toàn cầu gần đây tại dinh thự của mình, Thủ tướng Junichiro Koizumi trông rất nhàn nhã. Tự tin, hào hoa trong chiếc áo sơ mi không thắt ca vát, không áo khoác ngoài, Koizumi cho biết ông đang cảm thấy vô cùng thoải mái. Bởi đây là ngày cuối cùng ông phải chịu đựng chính sách “nướng chả” trên sàn của toà nhà quốc hội, trước khi được hưởng một kỳ nghỉ hè tuyệt diệu phía trước. Kể từ lúc Koizumi dự định sẽ từ chức thủ tướng khi nhiệm kỳ làm chủ tịch đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền của ông kết thúc vào tháng 9 tới, thì đây chắc chắn là lần cuối cùng ông phải “chịu đựng” một buổi như thế này.



Nói một cách rộng hơn, kỷ nguyên Koizumi sắp đi qua. Khi một “triều đại” sắp kết thúc, sẽ không có một dự luật nào phải thông qua, và cũng không có thêm những cuộc tranh cãi về chính sách nữa. Koizumi sẽ tới thăm Mỹ vào tuần này, nhưng đây không phải là một chuyến công du với lịch trình làm việc dày đặc như người ta vẫn thường thấy. Trước khi được chào đón như một người anh hùng ở Washington, ông sẽ dừng chân ở Graceland để du ngoạn như một vị khách du lịch. Gọi đây là “thành công cuối cùng”, một phụ tá của Koizumi phát biểu với tạp chí Time rằng: chuyến đi của Thủ tướng được sắp đặt là chuyến đi từ biệt cá nhân đối với người bạn, Tổng thống Bush, sau 5 năm gắn bó thân thiết khác thường.



Nhưng dù là gì đi nữa, rất ít thủ tướng lại có sức ảnh hưởng lớn đối với nền chính trị của Nhật như Koizumi, và rất ít người có thể tạo ra được một kỷ nguyên cho riêng mình như Koizumi đã làm. Không biết là xấu hay tốt, nhưng tác động của Koizumi đối với chính trị trong nước và mối quan hệ quốc tế, với môi trường kinh tế của Nhật sẽ vẫn còn tiếp tục trong những năm tiếp theo.



Trước khi Koizumi bất ngờ lên nắm quyền vào năm 2001, Nhật Bản đã trải qua 10 đời thủ tướng trong vòng chỉ có 12 năm. Nền kinh tế của Nhật trở nên trì trệ, chính sách đối ngoại thì không có định hướng nào cả. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, Koizumi đã lãnh đạo nước Nhật với một tầm nhìn khá nhất quán. Ông không những giành được sự ủng hộ trong nước mà còn nâng cao được vị thế của Nhật ở nước ngoài. Ông vượt lên bằng cách vực dậy nền kinh tế Nhật, và giương lên chương trình đối ngoại tham vọng nhất của Nhật kể từ sau khi chiến tranh kết thúc. Trong đó, đáng kể nhất là việc Nhật gửi 600 quân tới miền nam Iraq vào năm 2001. Bởi đây là lần đầu tiên một thủ tướng thời hiện đại của Nhật gửi binh sỹ ra nước ngoài mà không bị Liên Hợp Quốc trừng phạt.



Tuần trước, đại sứ Mỹ tại Nhật Thomas Schieffer phát biểu với các phóng viên rằng: “Tôi không nghi ngờ Nhật Bản ngày nay khác hẳn với Nhật Bản năm năm về trước. Các nhà lãnh đạo đã tạo ra sự khác biệt đó, và bằng chứng là Koizumi. Dưới thời của ông, đã có một sự thay đổi căn bản.” Và giờ đây Nhật lại hướng sự quan tâm của họ vào tương lai. Liệu có bao nhiêu sự thay đổi mà Koizumi đã làm được sẽ còn tồn tại? Ai sẽ là người kế nhiệm ông? Họ sẽ cố gắng theo đuổi tiếp con đường của ông hay sẽ rẽ sang một hướng khác? Nhưng giữa những hoài nghi trên, có một điều chắc chắn là: Koizumi sẽ là nhân vật để người sau noi theo.



Koizumi đã thay đổi quan điểm chính trị của Nhật từ bao năm nay. Lần đầu tiên khi mới lên nắm quyền với những kế hoạch lớn, và với một bài phát biểu hết sức cứng rắn về cải cách cơ cấu, ông là một chính trị gia Nhật hoàn toàn mới và lạ lẫm. Ông nói chuyện trực tiếp với người dân, dựa nhiều vào hình ảnh, ý kiến của riêng mình chứ không phải vào những người bên trong đảng của ông. Điều đó cho ông sự độc lập, khiến ông có thể tự hào theo đuổi chương trình cải cách cơ cấu “mà không bị ràng buộc nhiều”.



Tác động của Koizumi đối với chính trị là rất lớn. Thành công đầu tiên của ông là đảng LDP và đảng đối lập, Đảng Dân chủ Nhật (DPJ), đã bắt đầu thuê các công ty PR, các nhà tư vấn hình ảnh, các giám đốc điều hành chiến dịch của Mỹ. Họ đã đưa ra được những ứng cử viên trẻ hơn, phong độ hơn, cho người Nhật thấy rằng đầu tóc bù xù và những bộ quần áo nhàu nhĩ sẽ khiến họ bị mất cử tri. Và xét về vẻ vẻ ngoài, hiếm có nhà lãnh đạo Nhật nào lại hào hoa như Koizumi.



Dưới sự giám sát của Koizumi, nền kinh tế Nhật Bản cũng sáng tươi lên đáng kể. Chỉ số chứng khoán của Nikkei tăng tới 66% trong vòng 3 năm qua. Năm ngoái GDP của nước này cũng tăng hơn 3%, và có những dấu hiệu cho thấy tình trạng lạm phát kéo dài suốt 5 năm qua đang đi đến hồi kết. Trước khi lên làm thủ tướng, Koizumi đã kêu gọi tự do hoá nền kinh tế trì trệ của Nhật - một nền kinh tế chịu quá nhiều sự kiểm soát của chính quyền trung ương. Và ông đã gặt hái được một số thành công cụ thể - cán cân thanh toán đã được làm sạch, các khoản nợ chồng chất của những ngân hàng lớn đã giảm…

Nước Nhật và chính sách hướng ngoại của Koizumi

Koizumi lên nắm quyền với một chương trình nghị sự mới. Ông sẽ được nhớ đến nhiều nhất vì sự chuyển hướng trong chính sách ngoại giao. Theo dõi sự lớn mạnh dường như không thể lay chuyển được của Trung Quốc, Koizumi đã đưa ra một quyết định chiến lược. Đó là gắn kết vận mệnh đất nước Nhật chặt chẽ hơn bao giờ hết với Mỹ. Dưới thời Koizumi, Ngoại trưởng Taro Aso gần đây nói, chiến lược của Nhật là “xây dựng mối quan hệ khăng khít với Mỹ, và dựa vào mối quan hệ này mà củng cố quan hệ với các nước khác.”

Tuy nhiên, nhiều người Nhật lại lo ngại rằng mối quan hệ quá thân thiết với một đồng minh sẽ đẩy những người bạn khác ra xa. Ví dụ như, trong cuộc “săn lùng” dầu lửa trên toàn cầu của mình, Nhật đã bị Washington khiển trách do quá gần gũi với Iran. Bởi Nhật tiêu thụ khoảng 22% lượng dầu của Iran, và chi 1 tỷ USD để phát triển mỏ dầu khổng lồ Azadegan của Iran.

Đối lập với chiến lược thân Mỹ, Koizumi đã phản ứng với những đối thủ mới nổi trong khu vự như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, bằng chính sách có vẻ khiêu khích, thậm chí đôi khi là đối đầu trong nhiều vấn đề, từ tranh chấp lãnh thổ đến lịch sử Thế chiến II. “Mối quan hệ giữa Nhật và châu Á đang ở trong tình trạng rối ren. Koizumi đã đào một cái hố ngăn cách rất sâu giữa Nhật với Hàn Quốc và Trung Quốc.” - một nhà phân tích nhận định. “Và đã đến lúc những người kế nhiệm ông phải tìm cách lấp cái hố đó.”

Nổi bật nhất có lẽ là sự kiện Koizumi đến thăm ngôi đền chiến tranh Yasukuni, ngôi đền tưởng nhớ 2,5 triệu lính Nhật đã chết trong chiến tranh, trong đó có 14 người bị kết tội là tội phạm chiến tranh Thế giới thứ II. Mỗi khi Koizumi đến thăm ngôi đền là ông lại gây ra một trận bão lửa, nhất là từ phía Hàn Quốc và Trung Quốc. Họ thường huỷ bỏ tất cả các chuyến thăm chính thức đã được sắp xếp trước với Nhật và xuống đường biểu tình phản đối rộng rãi.

Trong khi đó Koizumi vẫn khăng khăng rằng những chuyến viếng thăm đền của ông chỉ là vấn đề tôn giáo và là vấn đề nội bộ của Nhật. Ông đến đền Yasukuni để tỏ lòng thành kính đối với những người đã chết trong chiến tranh của Nhật, và cầu ước cho hoà bình. Song một số phụ tá thân cận của Koizumi cũng phải thú nhận rằng họ không thể hiểu được quan điểm của Thủ tướng trong vấn đề này. Thực tế, Yasukuni là vấn đề gây nhiều tranh cãi chính trong lòng nước Nhật. Cụ thể tháng 6 năm ngoái, 5 cựu thủ tướng Nhật đã yêu cầu Koizumi ngừng viếng thăm đền và chỉ có những tờ báo bảo thủ nhất Nhật mới có những bài xã luận ủng hộ các chuyến thăm của Koizumi.

Steven Vogel, giáo sư khoa học chính trị trường Đại học California ở Berkeley, Mỹ cho rằng, thay đổi lãnh đạo sẽ là cơ hội để cho cả hai phía giữ thể diện. Nếu người kế nhiệm Koizumi cố “nhịn” đến thăm đền Yasukuni và củng cố mối quan hệ với Trung Quốc, thì người đó sẽ có “cơ hội thật sự đẩy vấn đề hiện tại của Nhật ra phía sau”.

Liệu cơ hội đó có thể xảy ra? Ứng cử viên hàng đầu thay thế Thủ tướng Koizumi là Shinzo Abe, hiện tại đang là chánh văn phòng nội các Nhật. Mới chỉ 51 tuổi, ông Abe là một người còn trẻ, đầy nhiệt huyết, được công chúng yêu thích. Ông xuất thân từ một gia đình chính trị lâu đời, và là người ủng hộ những sáng kiến của Koizumi.

Ông Abe cũng là một trong những chính trị gia nổi bật nhất Nhật, nổi tiếng với quan điểm thận trọng về sự lớn mạnh của Trung Quốc, cứng rắn với Bình Nhưỡng. Trong quá khứ, ông hoàn toàn ủng hộ quyền thăm đền của Thủ tướng Koizumi. Trong những tuần gần đây, ông liên tục từ chối trả lời câu hỏi liệu ông có đến thăm đền Yasukuni như Thủ tướng Koizumi. Kent Calder, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Á Edwin O. Reischauer, thuộc trường Đại học Johns Hopkins, Mỹ, cho rằng Koizumi đã thất bại trong việc hợp pháp hoá những chuyến viếng thăm đền Yasukuni. “Tôi không nghĩ rằng người kế nhiệm Koizumi – thậm chí là Abe - sẽ có thể đến thăm đền nếu người đó muốn có mối quan hệ ngoại giao hiệu quả ở châu Á”…“Abe là một người hào hoa, một nhà cải cách, một người được yêu mến, sẽ bảo thủ hơn Koizumi trong vấn đề an ninh quốc gia và hiến pháp. Tuy nhiên ông cũng linh động và thực dụng hơn Koizumi.”

Khi Koizumi từ giã chính trường vào tháng 9 tới, nền chính trị của Nhật sẽ mất đi chút ánh hào quang. Bởi không thể phủ nhận được rằng Koizumi đã tạo ra những thay đổi lớn cho Nhật. Ông đã lôi kéo được dân chúng vào guồng máy chính trị theo cách chưa từng có ở Nhật. Ông đã lấy lại sự tự tin cho họ, và thuyết phục đất nước tham gia hơn nữa vào thị trường thế giới, sau hàng thập kỷ kinh tế trong nước rơi vào tình trạng bất ổn và mất phương hướng.

Tuy nhiên “triều đại” Koizumi không phải là một triều đại hoàn hảo. Do có những phản ứng gay gắt với những nhóm phản đối thay đổi, ông đã đạt được thành công ít hơn mong đợi, và cuối cùng, phải bỏ dở một số sáng kiến mà ông ấp ủ nhất. Sự ủng hộ hết mình của Koizumi đối với Mỹ khiến giọng điệu của ông trở nên xa cách với các nước láng giềng. Những người kế nhiệm ông sẽ phải bù đắp những thiếu sót này.

Phan Vũ

Theo Time
 
Bình luận (1)

hanh80

New Member
Mình nghĩ đề tài giới thiệu sơ lược về các nhà chính trị gia nổi tiếng và quá trình hoạt động của các nhà lãnh đạo của các nước trên thế giới sẽ rất thú vị và gây nhiều sự tò mò của giới lướt web ! Bạn nào có bài , hãy chia sẻ cho mọi người cùng khám phá nhé ! 待ちます!
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top