Quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản đang ngày một căng thẳng

Quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản đang ngày một căng thẳng

Ngày 29/9/2005 kỉ niệm 33 năm ngày hai nước Trung Quốc và Nhật Bản lập quan hệ ngoại giao (29/9/1972 - 29/9/2005), nhưng trong bầu không khí căng thẳng và tranh chấp hiện nay giữa hai nước thì sẽ không có hoạt động nào đáng kể để chào mừng. Bởi tranh chấp quyền khai thác năng lượng trên biển Đông đang là điểm khiến quan hệ Trung Quốc và Nhật Bản đang ngày càng thêm căng thẳng.

Năng lượng. Không có bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới lại không mong muốn được sở hữu nguồn tài nguyên vô giá và có sức mạnh bá chủ này, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Ngày 21/9, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật bản Nobutaka Machimura cho biết, theo đề nghị của Nhật Bản với Trung Quốc thì quan chức hai nước sẽ tiến hành đối thoại với nhau về chủ quyền khai thác dầu khí ở biển Đông vào tuần tới tại Tokyo. Phía Trung Quốc chưa trả lời chính thức, nhưng xem ra không mặn mà gì đối với cuộc đàm phán này vì biết chắc rằng sẽ không giải quyết được vấn đề trong giai đoạn hiện nay. Bởi qua hai cuộc đàm phán vào tháng 10/2004 tại Bắc Kinh và tháng 5/2005 tại Tokyo đã không đưa lại kết quả nào mà không khí tranh chấp còn căng thẳng thêm.
Khởi nguồn câu chuyện tranh chấp bắt đầu từ tháng 9/2005, khi Trung Quốc cho tiến hành khai thác dầu khí trên biển Đông ở bốn khu vực mà Nhật Bản lên án là: Xuân Hiểu, Đoạn Kiều, Tàn Tuyết, Thiên Ngoại Thiên. Cùng lúc Nhật Bản cũng đưa Công ty dầu khí Teikoku có hải quân bảo vệ tới khai thác ở khu vực này. Trung Quốc lập tức cho 5 tàu khu trục tới bảo vệ, và tranh chấp bắt đầu căng thẳng.

Khai thác của Trung Quốc ở bốn khu vực trên chủ yếu là dầu khí và sản lượng chưa lớn trong khi đầu tư khá cao, như đầu tư của Trung Quốc cho khai thác giếng khí Xuân Hiểu tới trên 500 triệu Nhân dân tệ. Ngoài ra Trung Quốc đang bắt đầu lắp đặt đường ống vào đất liền, dự kiến cuối năm 2005 bắt đầu cung cấp khí đốt cho các thành phố Ninh Ba và một số thành phố khác.
Hiện nay khu vực này chưa phân định được ranh giới giữa hai nước do phương thức phân chia khác nhau. Ngày 20/9 phía Nhật cho rằng Trung Quốc mới đặt thêm dàn khoan ở Thiên Ngoại Thiên nằm trong hải phận của Nhật Bản, nhưng bị phía Trung Quốc bác bỏ.

Chủ trương của Trung Quốc hiện nay là một mặt đồng ý đàm phán, nhưng mặt khác cứ đơn phương khai thác bất chấp sự phản đối của Nhật Bản. Chính vì vậy mà cọ sát và cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt, thậm chí dư luận cho rằng có thể xảy ra xung đột vũ trang và Mỹ đã tính tới khả năng này, nên đang điều lực lượng tăng cường cho khu vực Thái Bình Dương.
Ngoài phản ứng về Trung Quốc khai thác khí đốt tự nhiên, Nhật Bản cũng bất bình về việc ngày 9/9 Trung Quốc đưa 5 tàu chiến tới bảo vệ khu vực này làm cho mâu thuẫn và tranh chấp ngày càng leo thang. Vì vậy, Nhật Bản cũng nhanh chóng đưa tàu của Công ty dâu khí Teikoku có sự yểm trợ của hải quân tới khu vực trên. Cho tới nay, thái độ của Nhật Bản cũng rất cứng rắn cho dù vẫn luôn kiến nghị ngồi lại đối thoại để giải quyết, như tìm phương thức cùng nhau khai thác.

Việc phía Trung Quốc hầu như từ chối tất cả kiến nghị của Nhật Bản đã khiến Nhật Bản tăng cường đưa máy bay và tàu chiến tới trinh sát các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực trên. Ngoài 7 trạm rađa hiện có chuyên theo dõi Trung Quốc, Nhật Bản đang có kế hoạch xây dựng thêm 4 trạm rada nữa mà dự kiến hoàn thành vào năm 2009. Ngoài ra, căn cứ vào Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ, những thông tin tình báo mà Nhật Bản thu thập được sẽ thường xuyên được thông báo cho các cơ quan tình báo Mỹ ở Thái Bình Dương.
Mới đây, ông Koizumi thắng lớn trong bầu cử. Điều này có thế nói rằng chính sách cứng rắn và chống Trung Quốc không có hy vọng thay đổi.

(Theo TTXVN)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top