Tìm đường cho hàng Việt vào Nhật (Kỳ 1): Khi cung không đủ cầu

Tìm đường cho hàng Việt vào Nhật (Kỳ 1): Khi cung không đủ cầu

TT - Kim ngạch xuất khẩu của VN sang Nhật Bản năm nay có thể đạt 5,5 tỉ USD, tăng gấp đôi so với năm 2002.

Bí rợ từ các nước nhập khẩu về chợ đầu mối Osaka. Trong ảnh (từ phải sang): Thứ trưởng Bộ Thương mại Trần Đức Minh và tham tán Nguyễn Trung Dũng khảo sát hàng nông sản tại chợ đầu mối Osaka (TP Osaka) - Ảnh: X.T.


Tuy nhiên, con số này được đánh giá là vẫn chưa thật sự tương xứng với tiềm năng, thậm chí VN có thể xuất sang Nhật hàng chục tỉ USD nếu khai thác tốt. Vậy trở ngại là gì? Phóng viên Tuổi Trẻ đã có cuộc khảo sát thực tế trong lĩnh vực nông sản tại Nhật để thử tìm câu trả lời.

Thanh long: 164.000 đồng/trái

Địa điểm đầu tiên chúng tôi tìm đến là chợ đầu mối hàng nông thủy sản của thành phố Osaka. Chợ nằm gần cảng Osaka sầm uất nên giao thông khá thuận lợi, đây được xem là một trong những chợ đầu mối về hàng nông sản lớn nhất ở Nhật nếu xét về mặt diện tích và xếp vị trí thứ ba nếu tính trên doanh số (bình quân mỗi ngày chợ bán ra từ 10-15 triệu USD).

Theo ông Onishi - trưởng bộ phận thông tin của chợ Osaka, ngôi chợ này hình thành từ năm 1931, bán buôn tất cả các mặt hàng nông lâm thủy sản. Ban đầu chỉ rộng khoảng vài ngàn mét vuông nhưng sau này mở rộng thành hơn 100.000 m2.

Nhà nước đầu tư toàn bộ cơ sở hạ tầng kho bãi, các gian hàng là do doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Ngoài mặt hàng nông thủy sản trong nước, tại đây tập trung phần lớn các loại hàng hóa từ các nước nhập vào Nhật trước khi đến các đại lý phân phối trên toàn quốc.

Trái ngược với suy nghĩ ban đầu của chúng tôi, gọi là chợ nhưng ở đây số lượng người bán nhiều hơn người mua. Ngay sát cổng khuôn viên khu chợ là hàng chục chiếc xe tải chở chuối đóng thùng đang chờ xếp hàng.

Chỉ tay về hướng đoàn xe tải, ông Onishi giải thích: mỗi ngày nơi đây nhập về hàng trăm tấn chuối từ Philippines, sau khi đưa hàng mẫu ra đấu giá, chủ đại lý nào mua được sẽ vận chuyển về các siêu thị, cửa hàng bán lẻ để cung cấp cho người tiêu dùng.

Theo các nhà bán buôn ở đây, hầu hết chuối nhập khẩu thị trường Nhật đều có xuất xứ từ Philippines, chiếm đến hơn 80% tổng sản lượng chuối nhập khẩu.

Do sản xuất trong nước chỉ đảm bảo khoảng 39% nhu cầu trái cây nên hằng năm Nhật Bản vẫn phải nhập một số lượng rất lớn các loại trái cây, rau củ. Chính vì vậy, hầu hết các gian hàng bên trong chợ Osaka tràn đầy các loại rau và trái cây ngoại nhập có xuất xứ từ các vùng nhiệt đới như xoài, măng cụt, bưởi, táo…

Khi nhìn kỹ các thùng hàng đựng trái cây, chúng tôi đều thấy ghi xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan, Philippines… Điều bất ngờ nhất chính là giá của các loại trái cây đều cao ngất ngưởng nếu tính theo tiền VN.

Một chủ đại lý trái cây ở đây cho biết bán sỉ một thùng măng cụt được nhập từ Thái Lan (18 trái/thùng) lên đến 3.800 yen (tương đương 520.600 VND, 137 VND = 1 yen), thanh long nhập từ New Zealand có giá 1.200 yen/trái (tương đương 164.000 đồng/trái), xoài Thái 300 yen/trái...

Khi biết chúng tôi từ VN đến, ông Takahara - một chủ vựa trái cây - tỏ ra tiếc nuối: “Những năm trước, chúng tôi đã nhập thanh long từ VN, nhưng có một dạo cơ quan kiểm dịch Nhật Bản phát hiện có ruồi đục ở bên trong trái thanh long nên họ đã có lệnh tạm ngừng. Do vậy, hiện nay chúng tôi phải nhập thanh long từ New Zealand, Thái Lan…”.

Đấu giá nông sản

Theo tham tán thương mại VN tại Nhật Nguyễn Trung Dũng, tại các chợ đầu mối lớn, hầu hết những mặt hàng nông sản nhập vào Nhật đều được các nhà nhập khẩu đưa ra đấu giá và đây chính là khâu quan trọng quyết định giá của mỗi mặt hàng trước khi đến với người tiêu dùng.

“Với các doanh nghiệp, tiếp cận được các kênh phân phối này xem như đảm bảo thành công đến 90% việc thâm nhập thị trường” - ông Dũng cho hay.

Chúng tôi tìm đến chợ Ota (Tokyo) là chợ bán sỉ hàng nông thủy sản có doanh số lớn nhất Nhật hiện nay, bình quân 30-40 triệu USD/ngày. Khác với chợ đầu mối Osaka, Ota được chia thành bốn khu vực chính: khu bán hàng thủy sản, rau, trái cây và hoa tươi.

Mỗi khu vực có diện tích hàng ngàn mét vuông, được xây dựng khá qui mô hiện đại. Mỗi ngày phiên đấu giá ở đây bắt đầu từ lúc 5g30 sáng và kết thúc vào 11g trưa, với hàng chục mặt hàng mẫu được đưa ra đấu giá.

Cũng giống như những sàn đấu giá khác, đây là chợ dành riêng cho các chủ đại lý từ khắp nơi đổ về mua hàng nên ngay từ sáng sớm không khí tại chợ diễn ra khá sôi động và tấp nập.

Khi chúng tôi đến, mặt hàng được đưa ra đấu giá đầu tiên của ngày là khoai lang được đóng trong các thùng cáctông nhỏ chứa khoảng 20 củ/thùng. Đây là loại khoai nhập từ Trung Quốc, củ to, vỏ đỏ, ruột vàng, được người Nhật thích chọn mua để chế biến các loại bánh và thức ăn.

Với mức khởi điểm được kêu giá là 2.600 yen, sau nhiều cánh tay giơ lên đặt giá, mức giá cuối cùng được các nhà nhập khẩu chấp nhận là 3.000 yen/thùng (tương đương 411.000 VND). Ông Hagase - một chủ vựa rau - cho biết: “Những ngày trước có đại lý mua đến 3.300- 3.500 yen/thùng, song vẫn không có hàng để cung cấp”.

Hầu hết hàng hóa rau, củ, trái cây nhập về chợ Ota đều có xuất xứ từ Trung Quốc, Mỹ, Israel, Thái Lan… Phân tích về cơ cấu các mặt hàng nông thủy sản trên thị trường Nhật của Cơ quan Thương vụ VN tại Nhật cho thấy mặc dù Nhật có nền nông nghiệp kỹ thuật cao, nhưng nhiều mặt hàng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 10-15% nhu cầu.

Chính vì vậy, đây là một sức ép buộc Chính phủ Nhật phải mở rộng cửa cho việc nhập khẩu hàng nông sản thực phẩm.

Mặt khác, giá nhân công lao động đắt đỏ (bình quân mỗi giờ lao động phổ thông ở Nhật là 1.000 yen, tương đương 137.000 VND); ở những vùng chuyên canh nông nghiệp trước đây như Nakano, Chiba, Gunma, Shizuoka…, nhiều nông trại đã phải thu hẹp sản xuất hoặc chuyển hướng ra đầu tư ở nước ngoài, chính điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu “nội địa hóa hàng nông sản” của Chính phủ Nhật.

Ông Kenji Mori - tổng giám đốc Tập đoàn Tokai Denpun, một doanh nghiệp chuyên nhập hàng thủy hải sản, rau quả vào Nhật - cho hay: năm 2004 doanh số nhập khẩu của Tokai Denpun chỉ khoảng hơn 1 tỉ USD, đến năm 2005 đã vọt lên 1,5 tỉ USD, dự kiến trong năm nay con số này sẽ tiếp tục tăng mạnh.

“Kinh tế Nhật đang phục hồi nên sức mua của người dân Nhật tăng lên một cách mạnh mẽ. Do đó hiện nay chúng tôi đang tìm cách để mở rộng thị trường nhập khẩu từ các nước, trong đó VN là một trong những thị trường chúng tôi đang nhắm đến” - ông Mori đặt ra mục tiêu.

Theo Cơ quan Thương vụ VN tại Nhật, hiện nay khả năng tự cung cấp lương thực thực phẩm của Nhật chỉ khoảng 40%. Đây là tỉ lệ thấp so với các nước công nghiệp khác như Anh (61%), Đức (99%), Pháp (121%), Mỹ (122%) và Úc (265%). Hằng năm Nhật phải nhập khẩu lượng lương thực thực phẩm rất lớn, trị giá khoảng 5.900 tỉ yen (tương đương khoảng 55,7 tỉ USD).


XUÂN TOÀN
 
Bình luận (1)

micdac

tât cả chỉ là ngụy biện, hãy đội mũ BH
Tìm đường cho hàng Việt vào Nhật (Kỳ 2): Đi tìm hàng Việt

TT - Nhu cầu nhập hàng của thị trường Nhật rất lớn, song số lượng hàng Việt vào Nhật hiện vẫn chỉ là “muối bỏ bể”. Chính vì vậy mà tại các siêu thị, trung tâm thương mại ở Nhật rất hiếm khi thấy xuất hiện hàng “made in Vietnam”, đặc biệt là mặt hàng nông sản.


Ẩm thực VN hấp dẫn khách Nhật - một trong những lợi thế để đẩy mạnh hàng Việt vào Nhật. Trong ảnh: Đài truyền hình Nhật đang quay phim gian hàng ẩm thực Việt tại Hội chợ Intex (Osaka) - Ảnh: X.T
Hàng Việt giá… VIP!

Tại chợ đầu mối Osaka, khi chúng tôi tỏ ý muốn tìm hàng VN đã nhập chợ, ông Onishi - trưởng bộ phận thông tin của chợ - đã phải căng trán suy nghĩ một lúc rồi vất vả lục lọi trong danh mục các loại hàng hóa nhập trong ngày.

Hết trái cây rồi đến rau củ quả…, cuối cùng khó khăn lắm mới tìm được hai mặt hàng có xuất xứ từ VN đã nhập về trong ngày là cá hồng và tôm. “Nhiều năm làm việc ở đây, rất hiếm khi tôi thấy hàng rau củ quả nhập từ VN, hàng Việt vào Nhật hiện chủ yếu vẫn là thủy sản, nhưng số lượng rất hạn chế so với các nước như Thái Lan, Trung Quốc...” - ông Onishi cho hay.

Trong vô vàn loại cam, ổi, xoài, bưởi… và các loại rau quả bắp cải, cà chua, khoai tây... của các nước nhập chợ Ota (Tokyo) với giá rất cao, chúng tôi cũng không sao tìm được bất cứ loại rau củ hay trái cây nào có xuất xứ từ VN.

Một điều khá bất ngờ là trong khi tìm hàng nông sản Việt ở Ota, chúng tôi đã thấy một số loại rau rất đặc trưng VN như rau muống, mồng tơi... được bán với giá sỉ 300 yen (1 yen = 137 VND)/bó rau muống (khoảng 15 cọng), nhưng lại có xuất xứ từ Trung Quốc!

Không tìm được hàng Việt ở chợ đầu mối, được một số người mách bảo, chúng tôi tìm đến chợ tầng hầm Ueno (Tokyo). Đây là khu vực được nhiều người Việt sống ở Nhật biết đến như là nơi bán lẻ hầu hết những loại thực phẩm, gia vị và rau quả có xuất xứ từ Trung Quốc và các nước ASEAN.

Tại Ueno có thể tìm thấy những túi bánh tráng, phở khô, nước mắm, tương ớt… ghi xuất xứ từ VN, giá rất cao so với tiền VN. Một chai nước mắm Phú Quốc (loại nhỏ khoảng 1 xị) được bán với giá 400 yen, một bịch bánh phở khô (1/2kg) giá 500 yen. Điều khá thú vị là để chứng tỏ những mặt hàng này có xuất xứ từ VN, người bán ở đây phần lớn là người Trung Quốc, Thái Lan đã treo hẳn lá cờ VN ở phía trên.

“Mỗi tuần chúng tôi đều nhập hàng VN nên nếu các anh cần mua số lượng lớn phải báo trước từ vài ba ngày” - một chủ hàng cho biết. Đi sâu vào bên trong, chúng tôi thấy có cả dừa khô, đu đủ xanh, rau muống..., thậm chí cả thịt chó ướp đông được đóng gói thành những bịch nhỏ. Tuy nhiên, người bán hàng cho biết những mặt hàng này đều có xuất xứ từ Trung Quốc.

Tại hệ thống các siêu thị lớn Itoyokado, Takashimaya, Tokyu Hand... chưa có con số thống kê chính xác tỉ lệ hàng VN có mặt bao nhiêu, song theo Cơ quan Thương vụ VN tại Nhật, tỉ lệ hàng Việt thâm nhập các hệ thống này đang có xu hướng tăng dần, đặc biệt là các mặt hàng như rau quả cấp đông, thực phẩm khô, quần áo, giày dép…

Chị Đặng Thái Anh - chủ một nhà hàng VN có tiếng tại khu phố sầm uất Roppongi (Tokyo) - nói rằng những năm gần đây ẩm thực Việt nổi lên như một hiện tượng ở Nhật, do đó nhiều loại thực phẩm, hàng hóa của VN đã được nhiều người Nhật biết đến và đây cũng chính là lý do khiến một số nhà nhập khẩu tăng số lượng nhập khẩu từ VN.

Những hàng rào ngăn cách

Theo Cơ quan Thương vụ VN tại Nhật, trong 10 mặt hàng VN xuất khẩu nhiều nhất sang Nhật năm 2005, hàng may mặc và thủy sản đứng đầu, tiếp đến là dầu thô, dây cáp điện… Riêng đối với các mặt hàng rau quả tươi, kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2005 vẫn chỉ chiếm vị trí khiêm tốn: gần 23 triệu USD. Con số này chỉ tương đương 0,5% nhu cầu nhập khẩu rau quả tươi của thị trường Nhật.

Ông Kenji Mori - tổng giám đốc Tập đoàn Tokai Denpun, một trong những doanh nghiệp nhập khẩu hàng đầu hàng nông sản từ các nước Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ - cho biết ông đã sang VN hai lần để tìm cách nhập hàng nông sản về Nhật.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như vấn đề kiểm dịch thực vật, đóng gói, bảo quản, độ đồng đều của hàng hóa sau thu hoạch, thiếu đối tác... nên số lượng hàng nông sản VN vào Nhật vẫn còn rất hạn chế. “Hiện nay chúng tôi mới chỉ nhập được ba mặt hàng VN là bí ngô, dưa chuột và rau bó xôi” - ông Kenji Mori tiếc rẻ.

Theo giới chuyên môn, một trong những lý do chủ yếu khiến hàng nông sản VN khó tiếp cận được thị trường Nhật là hàng rào kiểm dịch thực vật. Trong buổi làm việc với Bộ Thương mại VN và Cơ quan Thương vụ VN tại Nhật, ông Mitsusada Misobuchi - cục trưởng Cục Kiểm dịch thực vật khu vực Osaka (thuộc Bộ Nông - lâm - ngư nghiệp Nhật Bản) - nhìn nhận: “Lo ngại vi khuẩn phát sinh đối với hàng nông sản sau thu hoạch nên buộc các cơ quan kiểm dịch chúng tôi phải có những qui định rất chặt chẽ”.

Lý giải vì sao những mặt hàng nông sản cùng loại nhập từ Philippines, Thái Lan, Trung Quốc… có thể vào thị trường Nhật một cách dễ dàng, ông Misobuchi cho biết hầu hết hàng hóa các nước này đều tuân thủ theo qui trình xử lý rất chặt chẽ, bắt đầu từ khâu gieo hạt cho đến khi thu hoạch, bảo quản và đóng gói xuất đi. Qui trình này đã được chính phủ hai nước thông qua hiệp định công nhận lẫn nhau, nghĩa là hàng nông sản hai nước khi nhập khẩu nghiễm nhiên được chấp nhận.

Ông Misobuchi cho biết đối với trái cây VN, phía Nhật hiện nay chỉ cho nhập một số loại chính như chuối (còn xanh), sầu riêng, khóm (dứa) và dừa. Riêng đối với các loại rau củ và hoa, phía Nhật gần như “mở toang” cho hàng VN (thuế suất chỉ khoảng 5%).

Tuy nhiên, trên nguyên tắc là vậy, nhưng để thâm nhập thị trường này không đơn giản chút nào do những qui định rất khắt khe về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên hàng rau tươi. Đã có một số công ty VN xuất rau sang Nhật nhưng cơ quan kiểm dịch thực vật của Nhật phát hiện có hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép nên đã cấm nhập.

“Đây là một trong những thách thức rất lớn cho hàng nông sản VN khi xuất sang Nhật, song không phải quá khó đối với các doanh nghiệp VN, bởi nhiều nước họ cũng đã vượt qua được” - ông Misobuchi nhận xét.

Theo tham tán thương mại VN tại Nhật Nguyễn Trung Dũng, vừa qua cơ quan kiểm dịch của Nhật qua kiểm tra đã phát hiện một số lô hàng tôm của các doanh nghiệp VN bơm tạp chất, thậm chí còn sót cả kim loại ở trong tôm.

Ngay sau khi bị phát hiện, những lô hàng này đã bị trả về nước. Song điều nguy hại hơn là đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín với thương hiệu tôm VN và những nhà xuất khẩu chân chính. Nếu tình trạng này tiếp tục tái diễn, rất có thể một số doanh nghiệp VN sẽ bị cấm nhập khẩu vào thị trường Nhật vĩnh viễn.

XUÂN TOÀN
(báo Tuổi trẻ)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top