Trung, Nhật ganh đua giành ảnh hưởng ở châu Á

Trung, Nhật ganh đua giành ảnh hưởng ở châu Á

Nhật và Trung Quốc đang tiến tới một giai đoạn mới trong cuộc chạy đua giành quyền lực ở châu Á, sau tranh cãi xung quanh việc cấp visa cho cựu lãnh đạo Đài Loan Lý Đăng Huy. Việc cấp visa chứng tỏ Tokyo không còn nhượng bộ người láng giềng của họ, giới phân tích nhận định.

Chính phủ Nhật vừa cấp visa du lịch cho cựu lãnh đạo Lý Đăng Huy và gia đình, phớt lờ những cảnh báo liên tiếp từ phía Trung Quốc và một buổi biểu tình trước đại sứ quán Nhật tại Bắc Kinh.

"Qua vấn đề visa, Nhật có vẻ muốn nói rằng họ là một đất nước độc lập và kiên quyết thực hiện chính sách của mình mà không quan tâm đến nguyện vọng của một nước thứ ba", Hidekazu Kawai, giáo sư môn chính trị quốc tế đại học Gakushuin ở Tokyo nhận định.

Nhật cho rằng cựu lãnh đạo 81 tuổi là một công dân tự do. Không có lý do gì để ngăn những chuyến thăm tới các địa điểm lịch sử nơi mà ông từng học khi còn trẻ. Tuy nhiên Bắc Kinh cho rằng việc cấp visa là một "sự kiện lớn" và có vẻ như là một sự trả đũa.

Mâu thuẫn này càng nghiêm trọng nhất là khi quan hệ Nhật Bản và Trung Quốc đã căng thẳng trước đó do tàu ngầm Trung Quốc lạc vào lãnh hải nước láng giềng. "Hai nước đang tiến tới giai đoạn mới trong cuộc chiến nhằm giành thế thượng phong ở khu vực trong thế kỷ này",Yoshinobu Yamamoto, giáo sư môn chính trị quốc tế tại đại học Aoyama Gakuin ở Tokyo nhận định.

Khi căng thẳng càng ngày càng gia tăng, Nhật liên tục đe doạ sẽ giảm trợ cấp tài chính cho Trung Quốc bởi vì cho rằng Bắc Kinh không còn cần đến giúp đỡ về kinh tế nữa. "Nhật đang tìm cách đảm bảo quyền lực của họ, nhất là khi đất nước này phải đối mặt với những nguy cơ như giảm dân số", Yamamoto nói.

Trong khi đó, Trung Quốc với dân số đông đảo có một nền kinh tế đang phát triển và ngày càng tự tin. "Trung Quốc không chỉ đang phát triển quan hệ song phương với láng giềng mà còn trên mức độ đa phương và Nhật rất lo lắng về điều đó", Gilles Guiheux, một chuyên gia chính trị tại Hong Kong cho hay. "Nhật Bản cũng lo ngại rằng Trung Quốc đang hiện đại hoá quân đội", Guiheux nhận định.

Giới phân tích cảnh báo Tokyo không nên mải mê giành ảnh hưởng trong khu vực mà quên "lấy lòng" Bắc Kinh. Trung Quốc từng doạ sẽ phủ quyết việc Nhật giữ một ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an.

"Chính phủ Nhật đang chịu áp lực phải giành được quyền ảnh hưởng trong khu vực", Joseph Cheng, nhà phân tích chính trị tại đại học City ở Hong Kong cho biết. "Để làm được điều đó, họ cần tôn trọng phản ứng của các nước láng giềng. Điều đó là quan trọng nhất là khi Nhật muốn có một ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an".

Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng các mâu thuẫn chính trị giữa Trung Quốc và Nhật có thể hạ nhiệt một phần do mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. "Rõ ràng là mục tiêu kinh tế đã khiến hai nước tiến lại gần nhau hơn", Guiheux cho biết. "Các mâu thuẫn chính trị do đó sẽ không leo thang tới bất kỳ cấp độ nguy hiểm nào cả".

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Nhật sau Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử và tự động hoá. Hàng hoá Nhật sản xuất tại Trung Quốc thu được lợi nhuận do giá lao động thấp và thị trường phát triển mạnh.

vnexpress.net
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top