Vài nét về chiến lược bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Nhật bản

Vài nét về chiến lược bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Nhật bản

Nhật Bản là một quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu trên thế giới. Có thể nói, sự phát triển của Nhật Bản được coi là một hiện tượng “lạ” đối với thế giới vào những thập niên 70 và 80 của thế kỷ XX, song ngày nay, sự phát triển đó của Nhật Bản không còn trở thành vấn đề mới lạ đối với bất cứ ai.

Sự phát triển của Nhật Bản được xây dựng dựa trên một chính sách cạnh tranh với thị trường thế giới thông qua các sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao và giá cả phù hợp. Nhân tố quan trọng khuyến khích sự phát triển của khoa học công nghệ và việc tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh như trên chính là chính sách quốc gia về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Nhật Bản.

Là một quốc gia Châu á có bề dầy phát triển hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ, Nhật Bản đã làm được nhiều điều kỳ diệu khiến nhiều quốc gia Châu Âu phải học tập. Nhận thức vai trò của sở hữu trí tuệ trong sự sinh tồn của quốc gia, Chính phủ Nhật Bản đã sớm xây dựng một chiến lược tổng thể quốc gia về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Ngày 3 tháng 7 năm 2002, Hội đồng Chiến lược quyền sở hữu trí tuệ do một nhóm các cố vấn riêng cho thủ tướng Junichiro Koizumi được thành lập bởi HiroYuki Abe - Hiệu trưởng trường đại học TOHOKU. Những người này đã thảo ra những nét chính về chiến lược bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Nhật Bản.

Những nội dung của chiến lược được đề cập dù khái quát này nhưng đã đưa ra các nguyên tắc cơ bản trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Nhật Bản và làm đất nước này trở thành một đất nước kiểu mẫu trong việc bảo hộ quyền về sở hữu trí tuệ trên thế giới. Chiến lược quốc gia trên được chia thành 4 chính sách cơ bản sau:

Chính sách 1. Xúc tiến sự sáng tạo tạo ra tài sản trí tuệ: tăng cường sự sáng tạo tài sản trí tuệ ở các công ty và các trường đại học. Tuyên truyền, khuyến khích việc bồi dưỡng những sáng tạo và giúp đỡ các chuyên gia nghiên cứu.

Chính sách 2. Củng cố và tăng cường hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ: việc này được thực hiện thông qua: sự xét xử và kiểm tra các xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ một cách nhanh chóng và chính xác; Trao quyền cho toà án địa phương Tokyo và Osaka xét xử các tranh chấp đối với quyền sáng chế (Patent rights); Tăng cường việc trừng trị nghiêm đối với các hành vi sao chép và giả mạo; Bảo đảm sự hài hoà với hệ thống sở hữu trí tuệ quốc tế và xúc tiến sự hợp tác quốc tế liên quan đến lĩnh vực này; Tăng cường sự bảo vệ những bí mật công nghiệp; Xúc tiến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực mới.

Chính sách 3. Sử dụng tài sản trí tuệ: Xúc tiến việc chuyển giao công nghệ từ các viện và trường đại học; Đánh giá hiệu quả hoạt động nghiên cứu và sử dụng tài sản trí tuệ.

Chính sách 4. Sự tiến bộ, mở rộng các yêu cầu để củng cố và nâng cao trình độ nhân lực: Nuôi dưỡng sự lớn mạnh của các chuyên gia trong lĩnh vực này; Khuyến khích, khuấy động nhận thức của con người về sở hữu trí tuệ.

Với 4 chính sách lớn trong Chiến lược Quốc gia về Sở hữu trí tuệ của Nhật Bản cho chúng ta thấy được một chu trình khép kín của việc xây dựng một hệ thống sở hữu trí tuệ bền vững. Với chiến lược này, sự tồn tại và phát triển bền vững của hệ thống sở hữu trí tuệ phải dựa trên việc sáng tạo ra tài sản trí tuệ. Đây có thể coi là cái gốc của việc phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ và điều đó mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho quốc gia. Có thể khái quát 4 nội dung lớn trong Chiến lược trên của Nhật Bản thành một chu trình khép kín sau: Sáng tạo tài sản trí tuệ – Bảo hộ tài sản trí tuệ – Sử dụng tài sản trí tuệ – Nâng cao trình độ của con người.

Dựa trên các nội dung cơ bản của Chiến lược Quốc gia về Sở hữu trí tuệ mà Nhật Bản tiến hành các công việc cụ thể sau:

Thứ nhất, xây dựng luật cơ bản về sở hữu trí tuệ: Luật này được thiết kế gồm 4 chương: chương 1: Điều khoản chung: quy định các đối tượng của sở hữu trí tuệ; mục đích và các nguyên tắc cơ bản; các trách nhiệm, v.v. chương 2: Các biện pháp cơ bản; chương 3: Kế hoạch chiến lược về sở hữu trí tuệ: trong đó quy định Chính phủ phải đặt ra các tiêu chuẩn mạnh mẽ và hệ thống cho sự sáng tạo, bảo hộ, sử dụng tài sản trí tuệ và bảo đảm nguồn nhân lực; chương 4: chỉ đạo chiến lược về sở hữu trí tuệ: Chính phủ phải thành lập một sự chỉ đạo chiến lược về sở hữu trí tuệ trong phạm vi Văn phòng Nội các để tiến hành mạnh mẽ chiến lược về sở hữu trí tuệ. Tổng chỉ huy của chiến lược này bao gồm Thủ tướng, các thành viên của nội các (Chính phủ) và các chuyên gia trong từng lĩnh vực riêng.

Thứ hai, thành lập Hội đồng quốc gia về sở hữu trí tuệ: Hội đồng này được xây dựng dựa trên quy định của Luật sở hữu trí tuệ, trong đó đích thân Thủ tướng KoiZuMi làm Chủ tịch. Hàng năm, trên cơ sở thực tiễn tình hình đất nước, Hội đồng này đưa ra các chương trình cụ thể cho hoạt động sở hữu trí tuệ của đất nước. Khẩu hiệu được Hội đồng trên đưa ra có tên: "Hành động quốc gia để tạo ra tài sản trí tuệ - nền tảng quốc gia."

Như vậy, trước mắt chiến lược quốc gia về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Nhật Bản được thể hiện ở 2 công việc quan trọng. Với chiến lược quốc gia về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên góp phần quan trọng vào việc tạo cho Nhật Bản đã, đang và sẽ là một trong không nhiều quốc gia phát triển nhất thế giới.

Là một quốc gia có khá nhiều điểm tương đồng với Nhật Bản, hy vọng với kinh nghiệm trên của Nhật Bản, cùng với việc gia nhập WTO, Việt Nam sẽ sớm có những bước đi phù hợp thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền kinh tế với khả năng cạnh tranh cao.

Nguồn :Nhãn hiệu Việt
 

Bài viết liên quan

Văn hóa xã hội 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top