Ngoại trưởng Hàn Quốc Ban Ki-moon trong cuộc họp báo sáng nay.
Cuối tuần này, những nhà đàm phán đến từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ có cuộc gặp tại Seoul để thảo luận về việc nối lại cuộc thương thuyết xung quanh vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Trước đó Bình Nhưỡng đã tỏ dấu hiệu có thể thoả hiệp.
Việc khởi động lại các cuộc đàm phán hạt nhân đang trở thành vấn đề cấp bách, đặc biệt là sau khi CHDCND Triều Tiên tuyên bố hôm 10/2 rằng họ sở hữu vũ khí hạt nhân. Đầu tuần này, nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng Kim Châng In nói với đặc phái viên Trung Quốc rằng, chính phủ của ông sẽ quay lại bàn đàm phán nếu những điều kiện nhất định được đáp ứng. Nhưng ông không nói rõ những điều kiện là gì.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Hàn Quốc Ban Ki-moon hôm nay cho rằng: "Việc Bắc Triều Tiên gắn điều kiện để quay trở lại đàm phán là không thích hợp. Miền Bắc phải ngồi vào bàn thương thuyết vô điều kiện, sau đó có thể đưa ra bất đồng của họ và tất cả các bên sẽ cố gắng đạt thoả thuận thông qua đàm phán".
Cuộc gặp các nhà đàm phán hạt nhân cao cấp sẽ diễn ra vào thứ bảy tuần này với sự tham gia của Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Song Min-soon, Vụ trưởng châu Á và châu Đại dương Bộ Ngoại giao Nhật Bản Kenichiro Sasae và Đại sứ Mỹ tại Seoul Christopher Hill, người được Washington chỉ định là trưởng đoàn đàm phán.
Đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc Toshiyuki Takano cho biết, 3 nước đồng minh Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ cố gắng giải quyết những bất đồng còn tồn tại. Nhóm các nước này thường xuyên có những hoạt đồng phối hợp chiến lược, nhằm chấm dứt mối đe doạ hạt nhân từ phía CHDCND Triều Tiên thông qua đàm phán 6 bên.
Kể từ năm 2003, Trung Quốc từng là chủ nhà của 3 vòng đàm phán 6 bên về hạt nhân tại Bắc Kinh gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên. Nhưng đến nay kết quả đạt được vẫn hết sức hạn chế. Vòng đàm phán thứ tư dự kiến tổ chức tháng 9 năm ngoái, nhưng không thể diễn ra vì Bình Nhưỡng từ chối tham dự.
Tối qua, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lý Triệu Tinh và Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice cũng thống nhất qua điện thoại với nhau rằng, đàm phán 6 bên cần phải được bắt đầu lại càng sớm càng tốt.
Đình Chính (theo Xinhua, Reuters)
Có thể bạn sẽ thích