Nhật - Trung: bên dưới sách trắng

Nhật - Trung: bên dưới sách trắng

Vụ ồn ào trên báo chí Trung Quốc (TQ) về “sách trắng” của Nhật Bản cũng như về các bài báo được coi là “xấc láo” của tờ Yomiuri Shimbun đầu tuần này đã diễn ra chính trong tuần lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng phát xít Nhật của TQ, cử hành hôm thứ năm 7-7-2005.

Ồn ào như đã từng ồn ào từ đầu năm từ vụ tranh chấp mỏ khí đốt gần đảo Điếu Ngư. Thực chất của vấn đề là gì? Phải chăng ngoài yếu tố dầu khí, còn là viễn tượng va chạm giữa hai nền kinh tế hướng đến xuất khẩu và đang thặng dư xuất khẩu “đệ nhất hạng”?

Báo điện tử Japan Focus của Nhật Bản tuần này đã đưa bài “China gorging and Japan - China resource and energy conflicts” (Sự vơ vào của TQ và các xung đột giữa Nhật Bản và TQ vì tài nguyên và năng lượng) của tờ Yomiuri Shimbun.

Cạnh tranh lấn sân?

Mở đầu bài báo mô tả cuộc “cọ xát” giữa lực lượng phòng duyên Nhật Bản và hải quân TQ vào đầu năm nay: hai tàu khu trục có gắn tên lửa của TQ đã bị phát hiện khi đang tìm cách đến gần tàu hải dương học Ramform Victory của Na Uy mà Nhật Bản thuê để thực hiện khảo sát dầu khí. Theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu an ninh CSSR của Nhật, khả năng đụng độ giữa Nhật và TQ vì năng lượng có thể sẽ diễn ra theo một trong hai kịch bản sau:

1/ mỗi nước giành giật theo kiểu “mạnh được yếu thua” các nguồn năng lượng, và TQ bất chấp tổn thất, miễn là giành được mục đích; 2/ TQ thành công trong việc ký kết những hiệp định tự do mậu dịch với các nước Đông Nam Á, từ đó dẫn đến việc Nhật bị cô lập. Trong cả hai trường hợp, tương lai của Nhật sẽ đều bị va chạm.

Theo bài báo, Nhật Bản hiện đang kẹt cứng vì đã quá dựa vào nguồn dầu hỏa Trung Đông, quá tin rằng tiền sẽ có thể mua được dầu hỏa, để rồi nay không chịu đựng nổi giá dầu cứ đang tăng cao. Đó là chưa kể bị tẩy chay, như đang bị Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đòi xét lại hợp đồng. Trong khi đó, TQ và Nga lại là hai cường quốc đang trỗi dậy. Nga nhờ dầu hỏa, TQ nhờ tăng trưởng kinh tế đang điền vào thị trường mà trước kia là của Nhật.

Thật vậy, từ mấy năm qua, từ khi giá dầu không ngừng tăng, Nga đã không những trả được nợ mà còn tích lũy có thừa (dự trữ ngoại tệ lên đến 120 tỉ USD), tăng trưởng hằng năm 6,7%, GDP đầu người theo sức mua đã là 9.800 USD, cán cân xuất nhập khẩu thặng dư 45,04 tỉ USD (số liệu năm 2004 của CIA World Facts Book).


Tương tự tuy GDP đầu người mới chỉ 5.600 USD/năm, song TQ đã có tổng kim ngạch xuất khẩu lên đến 583,1 tỉ USD, nhập khẩu 552,4 tỉ USD, thặng dư cán cân xuất nhập khẩu thặng dư những 30 tỉ USD, dự trữ ngoại tệ lên đến 609,9 tỉ USD (gấp năm lần Nga), tỉ lệ tăng trưởng lên đến 9,1% (các số liệu năm 2004 của CIA World Facts Book). Trước tình hình này, nếu bị hất ra khỏi Trung Đông, Nhật Bản sẽ tìm đâu ra dầu khí để tiếp tục đáp ứng nhu cầu tiêu thụ dầu lên đến 5,449 triệu thùng/ngày (trữ lượng chỉ là 29 triệu thùng, không đầy năm ngày sử dụng). Bởi thế mỏ khí đốt đang tranh chấp với TQ là rất có ý nghĩa.

Có những lý do để “hiểu” những lo ngại của Nhật. Trước hết, TQ đang ngày càng tiêu thụ nhiên liệu dầu khí một cách cạnh tranh với Nhật Bản. Các số liệu dưới đây về sản lượng và tiêu thụ dầu khí của TQ rất đáng tham khảo:

sản lượng dầu: 3,392 triệu thùng/ngày

tiêu thụ dầu: 4,956 triệu thùng/ngày

xuất khẩu dầu: 427.800 thùng/ngày

nhập khẩu dầu: 2,414 triệu thùng/ngày

trữ lượng dầu: 17,74 tỉ thùng

sản lượng khí đốt: 35 tỉ m3

xuất khẩu khí đốt: 0m3

nhập khẩu khí đốt: 0m3

trữ lượng khí đốt: 2.230 tỉ m3

(nguồn: CIA World Facts Book)

Với khoảng 5 triệu thùng dầu/ngày như hiện nay, lượng dầu TQ tiêu thụ tương đương 1/6 sản lượng dầu của các nước OPEC (29,9 triệu thùng/ngày, cung cấp 36% nhu cầu của thế giới). Thế nhưng, đến năm 2030, theo IMF, lượng dầu TQ tiêu thụ sẽ tương đương 1/4 lượng dầu tiêu thụ trên toàn thế giới (ngang bằng lượng dầu tiêu thụ ở Hoa Kỳ).

Vấn đề là đến lúc đó, lượng dầu tiêu thụ của cả thế giới sẽ lên đến 140 triệu thùng/ngày song sản lượng dầu của cả thế giới sẽ không hơn 100 triệu thùng dầu/ngày (trong khi hiện tại sản lượng đã là 84,3 triệu thùng/ngày) (Asia Times 12-4-2005). Đào đâu ra số 40 triệu thùng dầu còn thiếu này? Tất nhiên, có thể sẽ tìm ra những vỉa dầu mới. Song chắc chắn là tình trạng khan hiếm dầu diễn ra ngay từ bây giờ chứ không cần đợi đến 25 năm tới! Nói như thế không có nghĩa là đổ tội cho “TQ tăng trưởng kinh tế, phát triển quá nóng, tiêu thụ dầu quá nhiều”. Song rõ ràng trong một chợ, khi hàng đang hiếm hai người mua không khỏi không ưa nhau, nhất là khi một khách tỏ ra có phần ”bung xung”.

Kế đến, trong khi Nhật Bản đang gặp khó khăn về nguồn cung cấp, thì TQ đã tiến hành được một số động thái tìm thêm những nguồn dầu mới. Tháng 11-2004, TQ ký với Brazil một hiệp định cùng khai thác dầu khí. Tháng 1-2005 TQ ký với Venezuela một hiệp định mua bán dầu hỏa. Chưa kể các liên doanh khai thác dầu hỏa với Sudan và Myanmar.

Gần đây, TQ thỏa thuận cùng khai thác dầu khí với Philippines và với VN ở thềm lục địa. Động thái mới nhất là việc Công ty dầu CNOOC của TQ đòi mua lại Công ty dầu Unocal của Mỹ (một công ty đang liên doanh khai thác dầu hỏa với VN) với giá 18,5 tỉ USD. So với trên 600 tỉ USD dự trữ ngoại tệ của TQ, đây chỉ là con số lẻ. Phải chăng TQ hiện đang có xu hướng tìm kiếm nguồn dầu một cách sòng phẳng qua mua bán? Dẫu sao thì TQ cũng đã vượt qua Nhật Bản trong cuộc đua này.

Thặng dư xuất khẩu

Nhìn vào tương lai, một cuộc va chạm giữa hai cường quốc xuất khẩu đang cùng thặng dư xuất khẩu là khó tránh khỏi:

Nhật Bản: xuất khẩu 538,8 tỉ USD - nhập khẩu 401,8 tỉ USD - thặng dư 170 tỉ USD.

Trung Quốc: xuất khẩu 583,1 tỉ USD- nhập khẩu 552,4 tỉ USD - thặng dư 30 tỉ USD.

Đúng 100 năm trước, Nga - Nhật đã đánh nhau trên Thái Bình Dương vì va chạm kinh tế. Hơn 60 năm trước, Nhật Bản và Mỹ cũng đã đánh nhau trên Thái Bình Dương cũng vì không có lối thoát kinh tế. Trong thế kỷ 21, nếu phải có, sẽ là giữa TQ và Nhật Bản? Thực tế chạy đua vũ trang hạt nhân trong khu vực cũng dễ kích động. Tờ Bulletin of the Atomic Scientists tháng 11-12/12-2003 mô tả: “TQ hiện có khoảng 120 tên lửa hạt nhân các đời DF-3A, DF-4, DF-5/5A và DF-21A, mỗi tên lửa mang một đầu đạn”.

Các tên lửa đạn đạo cùng đầu đạn hạt nhân này có thể từ lục địa bắn tới Nhật hay các nước khác trên bờ Thái Bình Dương. Căn cứ tên lửa gần Nhật nhất là căn cứ số 51 ở Shenyang (tỉnh Jilin). Căn cứ “thấp” nhất về phía nam là căn cứ số 53 ở Côn Minh (tỉnh Vân Nam) có tầm bắn đến Philippines, qua đầu VN (nguồn: Bates Gill, James Mulvenon, and Mark Stokes, “The Chinese Second Artillery Corps: Transition to Credible Deterrence”, eds., Rand, 2002). Thật ra việc TQ hay nước nào khác có tên lửa hạt nhân là “chuyện thường ngày” trong “câu lạc bộ các cường quốc hạt nhân”. Không kể Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Israel, thậm chí các “tiểu cường quốc” như Ấn Độ, Pakistan cũng có! Ngoài tên lửa, TQ còn có tàu ngầm hạt nhân mang đầu đạn hạt nhân. Sách trắng của TQ không giấu giếm gì. Thế cho nên, các bên ồn ào là chuyện “bình thường”. Bất bình thường là la ó theo phe này hay phe kia.

(Theo Tuổi Trẻ)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top